Ngày 19-20/5 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam do Liên minh Châu Âu tài trợ (EU JULE), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã hỗ trợ Bộ Tư pháp thực hiện hoạt động nghiên cứu xây dựng Bộ Tài liệu tập huấn và tổ chức Hội nghị Tập huấn thử về việc thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) tại Việt Nam.
Công ước ICCPR là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người, với sự tham gia đông đảo của 173 quốc gia thành viên (tính đến ngày 19/5/2022). Nội dung Công ước bao trùm tất cả các quyền dân sự và chính trị gắn với bất kỳ con người nào từ khi sinh ra như quyền được khai sinh, quyền có quốc tịch cho tới quyền được sống trong hòa bình, an ninh an toàn; quyền tham gia vào đời sống dân sự, chính trị không bị phân biệt đối xử. Có thể thấy, với vai trò đặc biệt và trung tâm trong hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người, việc triển khai thực hiện Công ước ICCPR đã, đang và sẽ luôn là nội dung quan trọng trong các cuộc thảo luận về chính sách, pháp luật ở tầm quốc tế, khu vực và quốc gia.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị Tập huấn, Bà Nguyễn Linh Kha, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp khẳng định rằng, Việt Nam là quốc gia chú trọng triển khai Công ước ICCPR gắn với những cải cách, đổi mới sâu rộng và toàn diện. Việt Nam là thành viên của Công ước ICCPR từ năm 1982 và đã 03 lần nộp Báo cáo quốc gia về việc thực hiện Công ước. Sau phiên đối thoại với Ủy ban Nhân quyền vào lần gần đây nhất là tháng 3/2019, Việt Nam đã nhận được các khuyến nghị của Việt Nam. Trong đó, Ủy ban đã hoan nghênh các nỗ lực Việt Nam đạt được đồng thời đưa ra các khuyến nghị trong một số lĩnh vực mà Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy trong thời gian tới. Trong số các khuyến nghị này, Ủy ban Nhân quyền khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường nỗ lực để cung cấp khóa đào tạo chuyên biệt về Công ước cho các cán bộ công chức để đảm bảo họ áp dụng và giải thích Công ước trong quá trình thực thi pháp luật (Khuyến nghị 6b).
Để góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, vào tháng 3/2022 vừa qua, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp đã tổ chức Cuộc họp kỹ thuật lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Bộ Tài liệu. Nhóm chuyên gia xây dựng Bộ Tài liệu đã nghiêm túc nghiên cứu các ý kiến góp ý nhận được tại Cuộc họp kỹ thuật và sẽ tiếp tục chỉnh lý Bộ tài liệu sau Tập huấn thử.
Phát biểu tại Hội nghị Tập huấn, đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam - Bà Audrey Rochelemagne đã bày tỏ những quan điểm thể hiện sự ghi nhận đối với những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng kế hoạch và giám sát việc thực thi các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền. Đồng thời, Bà Audrey Rochelemagne tin tưởng rằng, Hội nghị Tập huấn thử về Công ước ICCPR sẽ mở ra những cơ hội và là cơ sở đóng góp quan trọng trong quá trình việc xây dựng Báo cáo quốc gia về Công ước ICCPR cũng như việc củng cố hơn nữa việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền.
Cũng tại Hội thảo, Bà Diana Torres, Trợ lý Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh rằng dự án tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Qua đó, Bà Diana Torres khẳng định tầm quan trọng của việc đào tạo và bồi dưỡng nhằm nâng cao những kiến thức hiểu biết kiên quan đến nhân quyền cho cán bộ, công chức nhà nước cũng như các đối tượng khác có liên quan.
Theo đó, Hội nghị Tập huấn thử chính là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoạt động Hội thảo, Tập huấn (dự kiến sẽ tổ chức tại Lai Châu và Hà Nội), được thực hiện với mục đích nhằm thử nghiệm và học hỏi, rút kinh nghiệm để hoàn thiện Bộ tài liệu. Bà Nguyễn Linh Kha cho rằng đây là cơ hội quý báu để các cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật và các đối tượng có liên quan trao đổi, học hỏi, có thêm những kiến thức cơ bản về Công ước ICCPR, đồng thời giúp các chuyên gia có cơ sở hoàn thiện Bộ Tài liệu, từ đó góp phần tiếp tục thúc đẩy việc thực thi Công ước, cải thiện và tạo ra sự thay đổi tích cực trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người theo Quyết định số 1252/QĐ-TTg trong thời gian tới./.
Phòng Công pháp và nhân quyền quốc tế, Vụ PLQT.