Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong đảm bảo thực hiện nghĩa vụ

28/04/2022
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong đảm bảo thực hiện nghĩa vụ
Sáng ngày 28 tháng 4 năm 2022, trong khuôn khổ triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm giữa Bộ Tư pháp Việt Nam với Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank), Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp (Cục Đăng ký) đã phối hợp với IFC và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong đảm bảo thực hiện nghĩa vụ. Hội thảo do ông Phạm Tuấn Ngọc - Cục trưởng Cục Đăng ký, ông Trần Phương - Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cùng Bà Lin Huang, Chuyên gia cao cấp, Trưởng Nhóm Cơ sở Hạ tầng Tài chính, Bộ phận Tư vấn các Định chế Tài chính, Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, IFC đồng chủ trì.
 


 
Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến. Về phía Việt Nam, có các đại biểu đến từ các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp như Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Vụ Hợp tác quốc tế…; đại diện các đơn vị trực thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam như Ủy ban Chính sách, Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ, Ban Pháp luật và Nghiệp vụ,…; đại diện các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản, các tổ chức tín dụng, công ty cho thuê tài chính, Văn phòng Công chứng, Văn phòng luật sư tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh; các cơ sở đào tạo luật... Về phía IFC, có ông Jinchang Lai, Chuyên gia trưởng, Nhóm Phát triển Cơ sở Hạ tầng Tài chính, Bộ phận Tư vấn các Định chế Tài chính, Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, IFC; bà Phạm Thị Thanh Huyền, Giám đốc Chương trình Cơ sở Hạ tầng Tài chính Việt Nam, Nhóm Tư vấn các Định chế Tài chính của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC); Giáo sư Nguyễn Xuân Thảo - Đại học McKinney, Đại học Indian, Hoa Kỳ và ông Gianluca Pizzituti, CEO Công ty Velotrade.

         


Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Tuấn Ngọc cho biết, trong nền kinh tế thị trường, với sự phát triển năng động, đa dạng của các quan hệ kinh doanh, thương mại, một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện cho nhiều nghĩa vụ, đồng thời, tài sản không chỉ là đối tượng của biện pháp bảo đảm theo Điều 292 Bộ luật Dân sự năm 2015 mà còn có thể là đối tượng của giao dịch dân sự có tính chất tài trợ vốn khác. Chính vì vậy, việc xác định đúng và quy định minh thị về vị thế và quyền ưu tiên của các bên tham gia giao dịch tài trợ vốn đóng vai trò rất quan trọng. Đây cũng là yếu tố pháp lý góp phần đảm bảo cho việc phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả và bền vững theo chủ trương của Chính phủ. Trong bối cảnh Bộ Tư pháp đang triển khai các hoạt động nghiên cứu định hướng hoàn thiện hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm, pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì việc tổ chức Hội thảo là cơ hội hữu ích đối với Cục Đăng ký trong việc tiếp cận kinh nghiệm quốc tế và các khía cạnh pháp lý về vị thế và quyền ưu tiên của các bên tham gia giao dịch tài trợ vốn có bảo đảm.

         

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe Giáo sư Nguyễn Xuân Thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về những phương án khác nhau trong giao dịch tài trợ vốn có bảo đảm, các quy định về thứ tự ưu tiên. Trên cơ sở dẫn đề nêu trên, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký, ông Trần Phương, ông Jinchang Lai, ông Gianluca Pizzituti và đại biểu Việt Nam đã đưa ra nhiều câu hỏi, cùng thảo luận trao đổi chuyên sâu, gắn với các tình huống pháp lý với vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

         

         

Kết thúc Hội thảo, thay mặt Cục Đăng ký, bà Nguyễn Thị Thu Hằng cảm ơn sự hỗ trợ của IFC, sự tham gia của các chuyên gia, các đại biểu và đánh giá đây là Hội thảo đóng góp nhiều kinh nghiệm hữu ích trong nghiên cứu hoàn thiện pháp luật bảo đảm thưc hiện nghĩa vụ, đặc biệt là chuyển giao quyền đòi nợ, mua bán các khoản phải thu. Mặc dù còn có sự khác nhau trong cách tiếp cận và trong các quy định giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế, tuy nhiên, đây sẽ là cơ sở quan trọng giúp Cục Đăng ký tiếp tục nghiên cứu để có những giải pháp, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong thời gian tới. Bà Hằng cũng mong muốn trong thời gian tới, Tập đoàn tài chính quốc tế IFC, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các chuyên gia và các tổ chức tín dụng tiếp tục đồng hành với Cục Đăng ký trong việc hoàn thiện và thực thi pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đăng ký biện pháp bảo đảm.