Chia sẻ kinh nghiệm bảo đảm bình đẳng nam nữ về độ tuổi kết hôn, vai trò của phụ nữ trong HN&GĐ

25/03/2022
Chia sẻ kinh nghiệm bảo đảm bình đẳng nam nữ về độ tuổi kết hôn, vai trò của phụ nữ trong HN&GĐ
Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác đối thoại Nhà nước pháp quyền giữa Bộ Tư pháp CHXHCN Việt Nam và Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng Liên bang CHLB Đức, ngày 22-23/3/2022, Bộ Tư pháp phối hợp với Viện Hợp tác quốc tế Đức về Pháp luật tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức trong việc bảo đảm bình đẳng nam nữ về độ tuổi kết hôn, vai trò của phụ nữ trong hôn nhân và gia đình”, với mục tiêu giới thiệu, trao đổi về pháp luật hôn nhân và gia đình của Việt Nam và Đức, học hỏi kinh nghiệm của CHLB Đức, từ đó hướng đến hoàn thiện pháp luật hôn nhân & gia đình, đảm bảo tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, như: Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW).
Hội thảo do bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp chủ trì. Về phía CHLB Đức, tham dự Hội thảo trực tuyến có ông Christopher Yianni, Cán bộ chính sách, Phòng Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp CHLB Đức; bà Gabriele Weinhold, Trưởng phòng Lao động - Xã hội, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam; bà Angela Schmeink, Trưởng Bộ phận Châu Á, Viện Hợp tác quốc tế Đức về Pháp luật; bà Angela Lummel, Giám đốc Dự án Châu Á, Viện Hợp tác quốc tế Đức về Pháp luật.
Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện các cơ quan, Bộ, ngành, Hiệp hội, tổ chức chính trị - xã hội, các trường đại học, viện nghiên cứu... như: Văn phòng Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Giáo dục và đào tạo; Ủy ban nhân dân các quận trên địa bàn thành phố Hà Nội; Sở Tư pháp Hà Nội; Sở Tư pháp một số tỉnh thành (Thái Nguyên, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hải Dương...); Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Hội Luật gia Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ một số quận trên địa bàn thành phố Hà Nội; trường Đại học Luật Hà Nội; trường Đại học Quốc gia Hà Nội; Học viện Phụ nữ Việt Nam...
Ngày thứ nhất của Hội thảo (22/3/2022), các đại biểu được nghe các chuyên gia Việt Nam và chuyên gia Đức trình bày 05 bài tham luận: (1) Quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn, hậu quả của việc nam nữ chung sống với nhau như vợ, chồng mà không đăng ký kết hôn - vấn đề đặt ra về pháp lý và thực thi; (2) Đánh giá các quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn từ thực tiễn công tác hộ tịch; (3) Tổng quan về khung pháp lý và các quy định của Đức về hôn nhân và gia đình; (4) Vấn đề kết hôn giữa những người cùng giới tính; quan hệ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn - quy định của Đức và ý nghĩa thực tiễn (5) Các khía cạnh kinh tế và đại diện hợp pháp của vợ hoặc chồng trong quan hệ kinh doanh theo quy định của pháp luật CHLB Đức.
Sau khi nghe các bài tham luận của các chuyên gia Việt Nam và chuyên gia CHLB Đức, các đại biểu trao đổi rất sôi nổi, đồng thời đặt ra các câu hỏi, các vấn đề giữa quy định của pháp luật Việt Nam với các quy định của pháp luật CHLB Đức về: (1) quy định pháp luật về điều kiện kết hôn; (2) về giải quyết hậu quả đối với trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; (3) về việc đảm bảo lợi ích của con chưa thành niên; về quyền nuôi con khi vợ, chồng ly hôn hoặc trong trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn (bao gồm cả trường hợp hai người cùng giới chung sống với nhau mà không đăng ký hoặc có đăng ký quan hệ đối tác chung sống); (iv) về vấn đề trợ cấp sau khi ly hôn...
Ngày thứ hai của Hội thảo (23/3/2022), các đại biểu tiếp tục được nghe các chuyên gia của CHLB Đức và chuyên gia Việt Nam trình bày tham luận: (1) Quy định pháp luật Việt Nam về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng liên quan đến tài sản trong quan hệ hôn nhân gia đình - vấn đề đặt ra về pháp lý và thực thi; (2) Đánh giá quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến tài sản của vợ chồng từ thực tiễn giải quyết các vụ việc tại Tòa án; (3) Các khía cạnh và quy định khác của Luật Hôn nhân và Gia đình: chế độ tài sản trong hôn nhân; quy định về ly thân và ly hôn trong pháp luật CHLB Đức. Tại buổi Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc phân chia tài sản chung, tài sản riêng giữa vợ, chồng; về việc ký hợp đồng hôn nhân hoặc thỏa thuận giữa các bên về các vấn đề về tài sản, nuôi dưỡng, cấp dưỡng; về các vấn đề liên quan đến kết hôn giả tạo...
Kết quả thảo luận tại Hội thảo cho thấy ngoài những vấn đề tương đồng, pháp luật Việt Nam còn có những điểm khác với pháp luật CHLB Đức như quy định về độ tuổi kết hôn; quyền nuôi con của người mẹ, vấn đề tài sản khi giải quyết hậu quả chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; hôn nhân đồng giới; xác định tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; chế định ly thân; chia sẻ trợ cấp hưu trí; hợp đồng hôn nhân; chế độ tài sản luật định trong quan hệ hôn nhân và gia đình. Đây là những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu để tiếp tục hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong thời gian tới.
Kết thúc 02 ngày Hội thảo, bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Viện Hợp tác quốc tế Đức về Pháp luật (IRZ), các đại biểu và các chuyên gia đến từ CHLB Đức và Việt Nam; đề xuất chủ đề tiếp tục hợp tác trong thời gian tới và hi vọng rằng Viện IRZ cũng như các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các cơ quan, tổ chức sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Bộ Tư pháp để tiếp tục hoàn thiện khung chính sách pháp luật về hôn nhân và gia đình.