Tập huấn giảng viên nguồn về trợ giúp pháp lý thân thiện cho người chưa thành niên

22/01/2022
Tập huấn giảng viên nguồn về trợ giúp pháp lý thân thiện cho người chưa thành niên
Trong khuôn khổ Chương trình “tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, với sự đóng góp tài chính từ UNICEF và UNDP, trong ba ngày từ ngày 19-21/01/2022, Bộ Tư pháp đã phối hợp tổ chức lớp Tập huấn giảng viên nguồn về Trợ giúp pháp lý thân thiện cho người chưa thành niên nhằm trang bị cho người được tập huấn là các trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý đã có kiến thức chuyên môn tốt, có khả năng làm giảng viên nguồn để tập huấn, truyền đạt lại cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý ở địa phương các kiến thức và kỹ năng cơ bản trong việc thực hiện cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý thân thiện cho người chưa thành niên.
Chủ trì Hội nghị về phía Bộ Tư pháp có ông Cù Thu Anh - Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý; về phía Liên minh châu Âu có Bà Audrey, đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Hà Nội; về phía UNICEF có bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em - UNICEF Việt Nam.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp tại điểm cầu tỉnh Quảng Ninh cùng với sự tham dự của đại diện Bộ Công An; đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp; Đại học Luật Hà Nội; Hội Luật gia thành phố Hà Nội; Trung tâm tư vấn pháp luật cộng đồng và trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên cùng các đại biểu là các lãnh đạo, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý và các tổ chức Hội phụ nữ, Hội nông dân tại điểm cầu tỉnh Quảng Ninh và các điểm cầu tại 09 tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bến Tre.
 Về phía giảng viên có tiến sĩ Karen Muller, Bà Karen Hollely - Viện Nhân chứng Trẻ em, chuyên gia của Unicef; Thạc sỹ Vũ Thị Hường - Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý; bà Phan Thị Thu Hà - Trưởng phòng Chính sách và nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, Cục Trợ giúp pháp lý; ông Võ Vũ Liêm - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Bến Tre; bà Phan Thị Thu Trang, Phó Giám Đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý thành phố Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Ông Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý khẳng định sự quan tâm của Đảng và nhà nước ta trong việc hỗ trợ, bảo vệ trẻ em và người chưa thành niên. Cụ thể, Quốc hội khóa XIV đã thông qua quy định trẻ em, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người được trợ giúp pháp lý tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã ban hành Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 (hiện đang trong quá trình sửa đổi); Nghị quyết số 121/2020/QH14 về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 (Quyết định 23/QĐ-TTg ngày 07/1/2021)...
 Ông Cù Thu Anh điểm qua một số kết quả đã đạt được, trong 04 năm qua từ khi triển khai Luật Trợ giúp pháp lý đến hết năm 2021, số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho các diện người trợ giúp pháp lý chưa thành niên là 24.692 vụ việc (số vụ việc tham gia tố tụng là 19.291 vụ, chiếm 78,12%; riêng trẻ em là  11.811 vụ việc (vụ việc tham gia tố tụng chiếm 69,13%). Kết quả thực hiện, có rất nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý thành công, có hiệu quả rõ rệt. Trong năm 2021, Cục Trợ giúp pháp lý đã kịp thời chỉ đạo các Trung tâm TGPL trong công tác TGPL cho người chưa thành niên, như: Cục có Công văn số 437/CTGPL-TC&QLCL về việc đẩy mạnh hoạt động TGPL cho trẻ em, đặc biệt trẻ em mồ côi trong tình hình dịch Covid 19; sau khi biết được thông tin trên một số bài báo điện tử như Báo Tiền phong , Báo Dân trí … về việc cháu T (sinh tháng 7/2006) là nhân viên quán karaoke tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) bị một nhóm người khống chế lên xe ô tô và chở đến khách sạn ở thị trấn Liên Hương để thực hiện hành vi hiếp dâm. Thời điểm đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra làm rõ về hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại là cháu T, Cục Trợ giúp pháp lý đề nghị Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bình Thuận khẩn trương xác minh, kiểm tra các thông tin báo chí nêu trên.
Để bảo đảm hơn nữa quyền được trợ giúp pháp lý cho trẻ em, người chưa thành niên và các nhóm đối tượng khác theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, trong thời gian qua Cục Trợ giúp pháp lý và các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý đặc biệt là tổ chức lớp tập huấn nhằm trang bị cho người được tập huấn là các trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý có khả năng làm giảng viên nguồn qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý cho nhóm đối tượng này.
Ông Cù Thu Anh đề nghị đối với học viên, trong thời gian tập huấn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham dự đầy đủ các buổi học để tiếp thu trọn vẹn các nội dung được các giảng viên trình bày, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động của lớp, thẳng thắn trao đổi những vấn đề chưa rõ, những hạn chế bất cập trong hoạt động thực tiễn của mình để cùng với giảng viên làm sáng tỏ những vấn đề cùng quan tâm, tích luỹ nhiều kinh nghiệm và học tập được nhiều bổ ích trong đợt tập huấn này. Đối với giảng viên, đề nghị đóng vai trò điều phối, khuyến khích học viên chia sẻ ý kiến chuyên môn, hiểu biết của mình; có những trao đổi về những vấn đề thực tế phát sinh mà các học viên đã đối diện trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên. 

 
Bà Audrey, đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Hà Nội phát biểu tại Hội nghị 

Phát biểu tại Hội nghị, bà Audrey Rochellemagne, Đại diện cho Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đề nghị Cục Trợ giúp pháp lý nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách thúc đẩy chuyên môn hóa về tư pháp với người chưa thành niên cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, cũng như xây dựng bộ quy tắc ứng xử của người trợ giúp pháp lý khi làm việc với người chưa thành niên.
Bà khẳng định khóa học này là rất cần thiết trong việc nâng cao kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý để những đối tượng là trẻ em được giúp đỡ, tư vấn pháp lý với chất lượng cao nhất. Phía Liên minh châu Âu cam kết tiếp tục hỗ trợ, thực hiện công việc của mình để có đội ngũ những người thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em và tiếp tục có nhiều chương trình để nâng cao năng lực cho họ. Hội nghị lần này sẽ bao gồm những thông tin cơ bản về sự phát triển của trẻ em nhận thức về ngôn ngữ, về cảm xúc…, và cùng tìm hiểu yếu tố ảnh hưởng đến trẻ em là nạn nhân, trẻ em là người có vi phạm. Qua chương trình này bà mong muốn anh chị tham gia khóa học sẽ trở thành giảng viên nguồn để có thể chia sẻ những kiến thức cho các đồng nghiệp trong tương lai.

 
                                              Bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em - UNICEF Việt Nam, phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị cũng nghe bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em - UNICEF Việt Nam phát biểu ý kiến. Đồng tình với bà Audrey Rochellemagne, bà Lê Hồng Loan, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng năng lực mang tính hệ thống cho người trợ giúp pháp lý và luật sư nhằm bảo đảm rằng các thân chủ là người chưa thành niên sẽ được hỗ trợ và đại diện tốt nhất.
Bà ghi nhận trợ giúp pháp lý là công cụ quan trọng để đảm bảo tiếp cận tư pháp cho nhóm đối tượng dễ tổn thương, trong đó có trẻ em, người chưa thành niên cần được trợ giúp pháp lý. Chương trình tập huấn ngày hôm nay là một trong những nỗ lực của sự phối hợp thực hiện hoạt động thúc đẩy trợ giúp pháp lý, kịp thời có số lượng cho trẻ em, người chưa thành niên. Lớp tập huấn ngoài việc củng cố kiến thức pháp luật liên quan đến người chưa thành niên, giới thiệu những kiến thức nền tảng về sự phát triển của trẻ em mà còn đưa ra sự cần thiết áp dụng những phương pháp tiếp cận pháp lý đặc thù cho nhóm đối tượng này. Chương trình cũng trang bị những kỹ năng cơ bản, biện pháp thiết thực nhằm tăng cường hiệu quả trong thực hiện trợ giúp pháp lý cho đối tượng trẻ em, người chưa thành niên, có ý nghĩa tăng cường năng lực hệ thống trợ giúp pháp lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, hướng đến xây dựng đội ngũ giảng viên nòng cốt để tham gia việc tổ chức những lớp tập huấn tiếp theo trong tương lai, nhằm đảm bảo sự lan tỏa chương trình tập huấn và sự bền vững của Dự án.

 
Giảng viên Vũ Thị Hường- Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý phát biểu ý kiến

Giảng viên Vũ Thị Hường - Phó Cục Trưởng Cục Trợ giúp pháp lý giới thiệu chung về khóa tập huấn và phương pháp giảng dạy cho người lớn tuổi, bà cũng chia sẻ mục tiêu của khóa tập huấn đó là củng cố kiến thức về trẻ em khái quát về trẻ em và người chưa thành niên theo pháp luật trong nước và quốc tế; Pháp luật Việt Nam liên quan đến trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên, sự phát triển nhận thức, đặc điểm tâm lý, hành vi, các nhu cầu đặc thù ảnh hưởng tới hành vi của trẻ, quyền và nghĩa vụ của trẻ từ đó nắm được các chuẩn mực quốc tế và pháp luật Việt Nam về trợ giúp pháp lý thân thiện cho trẻ em, các quy tắc thực hiện trợ giúp pháp lý thân thiện cho trẻ, nắm vững quy trình và kỹ năng trợ giúp pháp lý thân thiện cho trẻ, tiếp cận nhạy cảm hơn khi làm việc với trẻ.
 
                     Giảng viên Bà Karen Hollely, Tiến sĩ Karen Muller - Viện Nhân chứng Trẻ em, chuyên gia của Unicef trình bày tại Hội nghị

Theo chương trình của Hội nghị, về phía nước ngoài các đại biểu được nghe Giảng viên bà Karen Hollely, Tiến sĩ Karen Muller - Viện Nhân chứng Trẻ em, chuyên gia của Unicef trình bày sự phát triển về nhận thức, cảm xúc - xã hội và ngôn ngữ của người chưa thành niên, ý nghĩa của nó với sự tham gia của người chưa thành niên trong quy trình tố tụng; cách thức để trình bày các học thuyết về sự phát triển; Ảnh hưởng của bạo lực với người chưa thành niên; Các yếu tố ảnh hưởng đến người chưa thành niên là nạn nhân của tội phạm; Luật sư trợ giúp pháp lý và các thân chủ là người chưa thành niên. Trong quá trình giảng,  giảng viên đã áp dụng thực tiễn các học thuyết vào người chưa thành niên là nạn nhân, nhân chứng, bao gồm cả các bài tập tình huống và các ví dụ thực tiễn, các yếu tố ảnh hưởng đến người chưa thành niên là nạn nhân của tội phạm như tiết lộ về bạo lực.
Về phía trong nước, Hội nghị được nghe Giảng viên Phan Thị Thu Trang, Phó Giám Đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý thành phố Hà Nội giới thiệu quy trình trợ giúp pháp lý thân thiện cho người chưa thành niên. Giảng viên, Thạc sỹ Phan Thị Thu Hà – Trưởng phòng Chính sách và quản lý nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, Cục Trợ giúp pháp lý trình bày các yếu tố ảnh hưởng đến người chưa thành niên là nạn nhân của tội phạm. Giảng viên Võ Vũ Liêm – Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bến Tre chia sẻ các kỹ năng như kỹ năng tham gia tố tụng cho người chưa thành niên trong tố tụng hình sự; Kỹ năng bào chữa…

 

Các giảng viên đều sử dụng phương pháp giảng dạy hiện đại kết hợp những câu hỏi tình huống cụ thể, học viên tham dự Hội nghị cũng tích cực trao đổi, đưa ra các ý kiến cũng như nêu vụ việc thực tế địa phương đã gặp phải trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý để cùng phân tích, đưa ra các hướng giải quyết, và  giải đáp những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho nhóm đối tượng trẻ em, người chưa thành niên.
Qua Hội nghị, các học viên tích lũy được kiến thức khái quát về người chưa thành niên, các yếu tố ảnh hưởng đến người chưa thanh niên là nạn nhân của tội phạm,...; pháp luật liên quan đến trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên; Quy tắc trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên; Quy trình thực hiện trợ giúp pháp lý thân thiện cho người chưa thành niên và kỹ năng tham gia tố tụng cho người chưa thành niên trong tố tụng hình sự.... qua đó góp phần nâng cao công tác trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên ngày một hiệu quả hơn, có chất lượng hơn.
 
Phòng Tài chính và Quản lý chất lượng, Cục Trợ giúp pháp lý