Ngày 16/12, Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực cho báo cáo viên pháp luật khu vực miền Trung, Tây Nguyên” theo hình thức trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ.
Tham dự và chủ trì Hội nghị có bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp; bà Đào Thu An, Quản lý dự án EU JULE, UNDP tại Việt Nam. Tại các điểm cầu địa phương với sự tham gia của gần 30 báo cáo viên tại 10 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng, Gia Lai, Phú Yên, Ninh Thuận, Đắk Lắc, Bình Định.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL cho biết việc xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng được xác định tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong công tác PBGDPL, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thời gian qua đã được Bộ Tư pháp quan tâm và triển khai nhiều hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ này. Tuy nhiên, trên thực tế một bộ phận báo cáo viên vẫn còn hạn chế về kiến thức và kỹ năng tuyên truyền pháp luật, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Với việc xây dựng Bộ tài liệu bồi dưỡng, nâng cao năng lực báo cáo viên pháp luật đã góp phần cung cấp thêm nguồn tài liệu hướng dẫn về kỹ năng, phương pháp tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, đồng thời là qua việc tập huấn Bộ tài liệu góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, bà Đào Thị Thu An, Quản lý dự án EU JULE, UNDP tại Việt Nam nêu rõ, để tăng cường pháp quyền ở Việt Nam cũng như đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững, việc trao quyền cho mọi công dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, trẻ em, dân tộc thiểu số và người nghèo là điều kiện tiên quyết. Nhiều báo cáo viên pháp luật vẫn chưa được đào tạo đầy đủ về các kỹ năng cũng như phương pháp tiếp cận như tập huấn lấy người học làm trung tâm, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuẩn bị và tuyên truyền PBGDPL, đặc biệt là tuyên truyền PBGDPL cho các nhóm dễ bị tổn thương như nạn nhân của bạo lực gia đình, người khuyết tật, người dân tộc ít người... Những thách thức này đã đặt ra một yêu cầu cần hiện đại hóa và đa dạng hóa các kỹ năng của tuyên truyền viên pháp luật, nhằm tăng cường hiệu quả của công tác tuyên truyền, PBGDPL dành cho người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế.
Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp và UNDP, trong khuôn khổ dự án EU JULE, Hội nghị được tổ chức trong 02 ngày 16, 17/12/2021 nhằm cung cấp nguồn thông tin hữu ích và có giá trị, hỗ trợ các báo cáo viên pháp luật nâng cao hơn nữa kiến thức, kỹ năng về tuyên truyền, PBGDPL, góp phần khám phá thêm nhiều ý tưởng và sáng kiến nhằm tăng cường năng lực cho các các báo cáo viên pháp luật tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, TS Nguyễn Toàn Thắng, Viện trưởng Viện Luật So sánh, Đại học Luật Hà Nội; TS Vũ Hoài Phương, Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã truyền đạt, thông tin về một số phương pháp gồm phương pháp tập huấn tích cực; giới thiệu về phương pháp để các tập huấn viên tập huấn kỹ năng PBGDPL cho đối tượng đặc thù và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng bài giảng tập huấn trực tuyến. Bên cạnh đó, các tập huấn viên còn được nghe một số chuyên gia của Vụ PBGDPL và một số địa phương chia sẻ kinh nghiệm, thực trang PBGDPL cho các đối tượng nói trên. Đồng thời, trong quá trình tổ chức Hội nghị, Ban tổ chức đã bố trí nhiều thời gian để các tập huấn viên có thời gian nghiên cứu, thảo luận nhóm, phát biểu ý kiến và trực tiếp thực hành phương pháp tích cực đã được học.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật