Chiều 23/11, Ban Quản lý chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 (Bộ Tư pháp) đã tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Một số vướng mắc, khó khăn pháp lý liên quan đến doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 và giải pháp hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luât” với sự chủ trì của Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Nguyễn Thanh Tú.
Phát biểu khai mạc, Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và hỗ trợ pháp lý nói riêng. Trong đó phải kể đến việc Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Trong Chương trình phục hồi phát triển kinh tế mà Chính phủ đang thảo luận cũng đặt ra vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có nội dung về hỗ trợ pháp lý.
Tại 2 Nghị quyết nêu trên, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường triển khai hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Hiện Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo báo cáo rà soát các vấn đề pháp lý liên quan đến dịch Covid-19, trong đó đề xuất sửa đổi, bổ sung 36 văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, thông qua Diễn đàn, Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tú mong muốn các đại biểu sẽ trao đổi, thảo luận khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang phải đối mặt đồng thời lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, tổ chức để hoàn thiện dự thảo Báo cáo và kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền.
Tham dự diễn đàn, các đại biểu đã được nghe kết quả rà soát, nhận diện các tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trước tác động mạnh mẽ, dài hạn của đại dịch Covid-19. Từ đó, nêu lên các ý kiến, đề xuất về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết số 105, Nghị quyết số 68 của Chính phủ; giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến xử lý vi phạm hành chính; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước; xử lý vấn đề tồn đọng, điểm nghẽn, giảm thiểu thủ tục, chi phí sản xuất, kinh doanh; chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp…
K.Q