Hội nghị tập huấn về kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình

05/11/2021
Hội nghị tập huấn về kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình
Tham dự và chủ trì hội nghị về phía nước ngoài có Bà Audrey-Anne Rochelemagne, đại diện Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam; Ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam; về phía Việt Nam có ông Cù Thu Anh - Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp.
Trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) do Liên minh Châu Âu tài trợ, trong ba ngày từ ngày 03-05/11/2021, Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức “Tập huấn về kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình” nhằm mục tiêu tăng cường năng lực, kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho đội ngũ những người thực hiện trợ giúp pháp lý, người làm công tác liên quan đến trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình, nhằm đổi mới cách thức trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình, tăng cường hơn nữa hiệu quả triển khai các văn bản pháp luật của Việt Nam về trợ giúp pháp lý cho những đối tượng này; đồng thời, góp phần thực hiện hiệu quả Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của Người khuyết tật, Công ước chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW), Công ước của LHQ về quyền trẻ em...
Hội nghị được tổ chức tập huấn bằng hình thức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và điểm cầu Hòa Bình kết hợp với trực tuyến đại diện cho các tỉnh/thành phố phía bắc và phía nam (Lạng Sơn, Sóc Trăng, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang).
Phát biểu khai mạc, Ông Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý khẳng định chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Thể chế bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình về cơ bản được hoàn thiện. Ngoài Luật người khuyết tật, Luật Trợ giúp pháp lý 2017… thì các văn bản của Chính phủ như Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030 và Quyết định số 2232/QĐ-TTg 28/12/2020 phê duyệt Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025 đều quy định về trách nhiệm trợ giúp pháp lý. Đồng thời, đối tượng trẻ em bị xâm hại cũng được quan tâm về quyền được trợ giúp pháp lý và được thể hiện tại Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và Quyết định số 1472/QĐ-TTg ngày 28/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14.
Ông Cù Thu Anh đã điểm lại một số kết quả công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình. Các Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã thực hiện được gần 9000 vụ việc cho các đối tượng là người khuyết tật, nạn nhân bạo lực gia đình theo các hình thức tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng trong thời gian 02 năm gần đây. Số lượng người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính được tiếp cận với trợ giúp pháp lý ngày càng tăng. Ông Cù Thu Anh cũng cho biết trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho những đối tượng này cần có kỹ năng đặc biệt. Với tôn chỉ hoạt động của trợ giúp pháp lý là “lấy người được trợ giúp pháp lý là trung tâm” thì cần có cách thức trợ giúp pháp lý phù hợp nhất cho đối tượng này.
Ông Cù Thu Anh đề nghị các học viên tích cực, chủ động tham gia các hoạt động của lớp, đồng thời đề nghị đội ngũ báo cáo viên áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, tích cực, lấy học viên làm trung tâm, tập trung vào những vấn đề đặc thù của đối tượng được trợ giúp pháp lý là người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình. Hội nghị tập huấn lần này cũng đã có những đổi mới về phương pháp tổ chức, như mời một số nạn nhân bạo lực gia đình, người khuyết tật đến dự và tham gia ý kiến. Từ đó, giúp Hội nghị nắm rõ, sát hơn cách thức tiếp cận cũng như vận dụng phương thức thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng này phù hợp, hiệu quả và nội dung tập huấn thực sự sát thực tế, thiết thực.

 
Bà Audrey-Anne Rochelemagne, đại diện Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
 
Phát biểu tại Hội nghị, Bà Audrey-Anne Rochelemagne, đại diện Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam khẳng định chủ đề của khóa đào tạo này đặc biệt phù hợp, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý cho nhóm dễ bị tổn thương và rất phù hợp với bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện đang diễn ra, tạo nên sự khó khăn cho đối tượng dễ bị tổn thương. Buổi tập huấn ngày hôm nay sẽ giúp họ hiểu hơn về những khó khăn của người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình để họ có thể làm việc hiệu quả hơn, tư vấn và trợ giúp pháp lý cho người dễ bị tổn thương, giúp họ thay đổi cuộc sống, giải quyết những vấn đề quan trọng trong cuộc sống của họ.
 
Ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam phát biểu ý kiến
Ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam phát biểu ý kiến
 
Hội nghị cũng nghe ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam phát biểu ý kiến. Một trong những kết quả trọng tâm của chương trình EU JULE là tăng cường tiếp cận tư vấn, hỗ trợ và đại diện pháp lý trong các vấn đề dân sự và hình sự. Để đạt được kết quả này, hai cơ quan của Liên Hiệp Quốc, UNDP và UNICEF, đã cùng tham gia vào quá trình cải cách quá trình trợ giúp pháp lý tại Việt Nam. Trong 3 năm qua, EU JULE đã tổ chức đào tạo cho hơn 300 người thực hiện trợ giúp pháp lý để giúp họ nâng cao kiến thức và kĩ năng để áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và trợ giúp pháp lý cho nhóm trẻ em và phụ nữ dễ bị tổn thương, nạn nhân bạo lực gia đình, người khuyết tật. Năm 2012, Đại hội đồng LHQ đã thông qua các nguyên tắc và hướng dẫn của LHQ về tiếp cận trợ giúp pháp lý trong hệ thống tư pháp hình sự. Hướng dẫn này của LHQ thừa nhận rằng: Trợ giúp pháp lý là một thành tố cơ bản của hệ thống tư pháp hình sự công bằng, hiệu quả và dựa trên nguyên tắc pháp quyền. Với hơn 6 triệu người khuyết tật và tỉ lệ bạo lực gia đình cao ở Việt Nam và tăng dần trong thời kì dịch bệnh COVID 19, việc đảm bảo trợ giúp pháp lý chất lượng cao cho hai nhóm người này lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Ông cho biết UNDP sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong các nỗ lực nhằm tăng cường tiếp cận công lý và nền pháp quyền, từ đó đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Bên cạnh Hội nghị, ông Patrick Haverman cũng đã chia sẻ với Đài Truyển hình Việt Nam VTV về đánh giá hoạt động Trợ giúp pháp lý của Việt Nam và những ý kiến góp ý nhằm nâng cao hơn những hiệu quả của hoạt động này trong thời gian tới.

 
Luật sư Nguyễn Ngọc Lan trình bày tại Hội nghị

Tiếp đó, Hội nghị cũng nghe luật sư Nguyễn Ngọc Lan trình bày về quy định trong và ngoài nước, các điều ước quốc tế, các chính sách, các quy định về quyền và nghĩa vụ đối với người khuyết tật, nạn nhân bạo lực gia đình, các kỹ năng tiếp xúc, trao đổi, kỹ năng tư vấn, tham gia tố tụng cho các đối tượng này. Các học viên được tham gia trải nghiệm cuộc sống thực tế của người khuyết tật và có sự đồng cảm sâu sắc với những khó khăn của những người dễ tổn thương. Các học viên tham dự sôi nổi chia sẻ, thẳng thắn trao đổi những thuận lợi, khó khăn trong quá trình hoạt động thực tiễn trợ giúp pháp lý. Đợt tập huấn giúp cho các đại biểu tích lũy nhiều kinh nghiệm thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, nạn nhân bị bạo lực gia đình./.
 
Phòng Tài chính và Quản lý chất lượng - Cục Trợ giúp pháp lý