Chiều 15/10, trong khuôn khổ chương trình hợp tác năm 2021 với Bộ Tư pháp Pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) chủ trì, phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế và Bộ Tư pháp Pháp tổ chức Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm của Bộ Tư pháp Pháp trong hoạt động kiểm tra, giám sát công tác THADS”. Đồng chí Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS và bà Nguyễn Minh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì Tọa đàm.
Phát biểu khai mạcTọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thắng Lợi nêu rõ: THADS là khâu cuối của quá trình tố tụng, nhằm hiện thực hóa những phán quyết của Tòa án vào thực tiễn cuộc sống, có vị trí, ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thực thi công lý, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương và ổn định.
Để thực hiện quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả công tác THADS, Luật THADS, các văn bản hướng dẫn thi hành và một số văn bản pháp luật, quy trình nội bộ của Tổng cục đã quy định cơ chế kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lưc pháp luật của Tòa án.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS nhấn mạnh: Công tác kiểm tra, giám sát trong THADS được thực hiện ngày càng bài bản, hoàn thiện dần cơ sở pháp lý về quy trình kiểm tra, giám sát. Thời gian qua, Bộ Tư pháp Việt Nam đã chú trọng thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm tra qua đó phát hiện nhiều bất cập trong quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục, phát hiện, ngăn ngừa xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra giám sát THADS còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc cả về thể chế lẫn thực tiễn, cần có giải pháp tháo gỡ. Vì vậy, thông qua Tọa đàm, Lãnh đạo Tổng cục mong muốn các đại biểu từ Đại sứ quán Pháp, các đồng nghiệp đến từ Hiệp hội Thừa phát lại và đấu giá viên của quốc gia Pháp chia sẻ kinh nghiệm về mô hình tổ chức, quy trình của hoạt động kiểm tra, những kiến thức, kinh nghiệm trong công tác THADS của phía Pháp để Việt Nam trao đổi, học hỏi, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật và áp dụng vào thực tiễn tại Việt Nam, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời đề nghị đại biểu phía Việt Nam cung cấp, bổ sung thêm tình hình, thực trạng những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện công tác THADS, tích cực trao đổi, thảo luận, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp Pháp.
Thông tin tại Tọa đàm cho biết, cách thức,quy trình kiểm tra trong hệ thống THADS hiện nay bước đầu đã được thực hiện bài bản, phát huy hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, quá trình tổ chức kiểm tra, quản lý nhà nước đối với công tác này còn một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, về thể chế, hiện nay pháp luật quy định về tổ chức vụ việc THADS và các quy định pháp luật có liên quan mới chỉ quy định căn cứ pháp lý về nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền tổ chức kiểm tra và nguyên tắc hoạt động kiểm tra mà chưa có quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra. Trình tự, thủ tục kiểm tra mới chỉ được quy định trong các văn bản nội bộ, mang tính cá biệt. Đội ngũ công chức làm công tác kiểm tra hiện nay chưa được tổ chức tập trung, độc lập và chưa nhiều kinh nghiệm.
Việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, xác định phạm vi, nội dung kiểm tra, các cơ quan THADS còn chưa xác định được các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, những lĩnh vực có nguy cơ hoặc đang tồn tại các vấn đề nổi cộm để đưa vào kế hoạch kiểm tra. Do đó, nội dung kiểm tra đôi khi còn dàn trải nhiều lĩnh vực, chưa kiểm tra sâu nên chưa đánh giá được hết tình hình hoạt động của chủ thể kiểm tra.
Về nội dung kiểm tra, trong quy trình tổ chức THADS, việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án là một trong những trình tự, thủ tục quan trọng, dễ phát sinh vi phạm nhưng lại thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý của cơ quan khác. Do đó, cơ quan THADS chỉ có thể giám sát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền mà không có biện pháp xử lý trực tiếp, gây hạn chế, khó khăn trong việc kiểm tra cũng như khắc phục thiếu sót, sai phạm một cách kịp thời. Kết luận kiểm tra còn chưa chú trọng vào việc phát hiện, đề xuất sửa đổi hạn chế, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật để làm căn cứ hoàn thiện thể chế, ngăn ngừa vi phạm.
Quy mô, số lượng của các cuộc kiểm tra được đảm bảo nhưng chất lượng, hiệu quả chưa cao; chưa cương quyết xử lý đối với những trường hợp vi phạm, chưa phát huy hiệu quả trong phòng ngừa vi phạm. Công tác hậu kiểm chưa được chú trọng. Việc phối hợp trong công tác kiểm tra giữa cơ quan THADS, cơ quan quản lý thi hành án với các tổ chức chính trị, đoàn thể và cơ quan liên quan có nơi, có lúc chưa hiệu quả…
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, tọa đàm đã tập trung thảo luận và đề ra một số giải pháp khắc phục như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức trong toàn Hệ thống THADS về ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm của công tác kiểm tra; tăng cường đội ngũ làm công tác kiểm tra; đẩy mạnh công tác hậu kiểm và khắc phục, phòng ngừa vi phạm; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan đồng thời tăng cường phối kết hợp giữa hoạt động kiểm tra với hoạt động thanh tra, giám sát trong THADS để nâng cao hiệu quả công tác THADS…
N.D