Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách tài chính phục vụ công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật

21/09/2021
Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách tài chính phục vụ công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật
Sáng 21/9, Bộ Tư pháp đã tổ chức buổi làm việc với các đơn vị về đánh giá tình hình triển khai các quy định trong Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Lê Vệ Quốc chủ trì buổi làm việc. Tham dự cuộc họp còn có đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện Bộ Tài chính và một số các đơn vị có liên quan.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Phan Hồng Nguyên cho biết, hàng năm các bộ, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng, lập dự toán và bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật (CTCPL). Mức kinh phí được bố trí để triển khai thực hiện có sự thay đổi trong các năm, nhìn chung năm sau bằng hoặc cao hơn năm trước. Tại địa phương, kinh phí cho công tác PBGDPL, CTCPL được bố trí trong tổng ngân sách hằng năm của cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Từ năm 2016 đến nay, nhiều tỉnh đã bố trí kinh phí riêng để triển khai thực hiện các Đề án liên quan đến công tác PBGDPL. Ngoài ra, kinh phí thực hiện công tác PBGDPL còn sử dụng từ các nguồn kinh phí chi cho hoạt động của chương trình, đề án của các ngành.
 

 
Ở địa phương, cơ quan Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với ngành Tài chính trong việc lập dự toán, quản lý, sử dụng, thành quyết toán kinh phí thực hiện công tác PBGDPL, CTCPL; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị địa phương thực hiện kinh phí về PBGDPL đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Nhìn chung, kinh phí triển khai công tác PBGDPL, CTCPL được quản lý, sử dụng đúng mục đích, chế độ và theo quy định pháp luật.
Các nội dung của Thông tư liên tịch số 14 và các văn bản dẫn chiếu có liên quan cơ bản quy định một cách cụ thể, rõ ràng về nguyên tắc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí PBGDPL và CTCPL; nội dung, mức chi, việc lập dự toán, chấp hành, quyết toán kinh phí đảm bảo cho công tác PBGDPL, CTCPL. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai Thông tư liên tịch số 14, các bộ, ngành, địa phương còn gặp một số khó khăn trong triển khai thực hiện một số quy định.
Cụ thể, đối với một số quy định mức chi còn thấp so với yêu cầu của công tác PBGDPL; các quy định liên quan đến hướng dẫn về ngân sách Trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương còn chưa khả thi, chưa đảm bảo được thực hiện trên thực tế. Một số bộ, ngành địa phương trong quá trình áp dụng các quy định của Thông tư liên tịch số 14 còn gặp nhiều lúng túng trong xây dựng dự toán, áp dụng các quy định cụ thể của Thông tư liên tịch do nội dung các quy định dẫn chiếu áp dụng rất nhiều văn bản hướng dẫn tài chính về các công việc, hoạt động, lĩnh vực khác có tính chất, nội dung tương tự. Một số nội dung chi, mức chi dành cho những nhiệm vụ mới trong công tác PBGDPL chưa được quy định trong Thông tư liên tịch số 14...
 

Sau khi lắng nghe các ý kiến góp ý tại Hội nghị, Vụ trưởng Lê Vệ Quốc cho biết, nhìn vào thực tiễn cùng với những phản ánh ban đầu hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 14 là rất cần thiết và sửa đổi, bổ sung theo các quy định mới của Luật ban hành quy phạm pháp luật: vấn đề thuộc phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ nào thì Bộ đó sẽ sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Về phía Bộ Tư pháp cũng sẽ nghiên cứu xây dựng Thông tư để thay thế.
Để có cơ sở cho Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính ban hành văn bản thay thế công tác quản lý chi, nội dung chi, mức chi… thông qua nội dung cuộc họp, Bộ Tư pháp sẽ có trách nhiệm gửi văn bản lấy ý kiến địa phương về vấn đề còn tồn tại, vướng mắc của Thông tư liên tịch số 14 trong quá trình triển khai. Vụ trưởng Lê Vệ Quốc đề nghị cần tập trung cho ý kiến đối với nội dung chi, mức chi gắn với cơ sở vật chất và những hoạt động cụ thể đảm bảo công tác PBGDPL có “giá đỡ” về ngân sách, tài chính để các hoạt động được triển khai đạt hiệu quả.
 

 
Đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo rà soát toàn bộ các cơ chế, chính sách, tài chính phục vụ cho công tác PBGDPL; nên thay đổi cách tiếp cận với đối với phương án chi, bố trí ngân sách căn cứ vào đầu người, tình hình thực tiễn ở địa phương cho phù hợp. Vụ trưởng Lê Vệ Quốc cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Bộ Tài chính trong việc tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, thể chế, tháo gỡ những vấn đề về chính sách, thể chế phục vụ công tác PBGDPL trong thời gian tới; cụ thể chính là nhiệm vụ về sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 14 theo phạm vi, chức năng của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính.
“Bộ Tư pháp đặt quyết tâm cao trong thực hiện trách nhiệm, đầy đủ xây dựng một đề cương cụ thể về nội dung sửa đổi, cách thức sửa đổi Thông tư trên cơ sở ý kiến của địa phương, đảm bảo mục tiêu khi Thông tư mới được ban hành kịp thời cho Bộ, ngành, địa phương xây dựng dự toán ngân sách năm 2022”, Vụ trưởng Lê Vệ Quốc nhấn mạnh.
 

 
N.D