Tập huấn thử nghiệm Tài liệu hướng dẫn lồng ghép giới trong xây dựng VBQPPL, PBGDPL

14/09/2021
Tập huấn thử nghiệm Tài liệu hướng dẫn lồng ghép giới trong xây dựng VBQPPL, PBGDPL
Thực hiện Chương trình công tác của Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ (VSTBPN) ngành Tư pháp, được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, trong khuôn khổ dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại tại Việt Nam (EUJULE) năm 2021, chiều nay (14/9), Ban VSTBPN ngành Tư pháp tổ chức Tập huấn thử nghiệm “Tài liệu hướng dẫn lồng ghép vấn đề giới trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và phổ biến, giáo dục pháp luật dành cho các cơ quan địa phương”. Đồng chí Phan Thị Hồng Hà, Q.Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phó Trưởng ban VSTBPN ngành Tư pháp chủ trì Hội nghị.
Trên cơ sở ý kiến của các thành viên tham gia tập huấn, tài liệu sẽ được hoàn thiện, trở thành công cụ hữu ích giúp các cơ quan tư pháp địa phương thực hiện hiệu quả, thống nhất việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáp dục pháp luật, từ đó góp phần nâng cao nhận thức giới trong nhân dân và giảm tình trạng bạo lực gia đình dựa trên cơ sở giới đối với phụ nữ, trẻ em gái.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phan Thị Hồng Hà cho biết, bình đẳng giới là quyền con người cơ bản và là thước đo quan trọng để đánh giá mức độ tiến bộ và phát triển của xã hội. Chính vì vậy, trong quá trình phát triển của mình, bên cạnh các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh thì bình đẳng giới luôn là mục tiêu ưu tiên mà các quốc gia hướng đến.
Với vai trò là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, trong những năm qua, Bộ Tư pháp đã chủ trương tăng cường lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, Ngành và đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Đánh giá kết quả công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp giai đoạn 2011-2020 cho thấy, chúng ta đã hoàn thành đạt và vượt 100% các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới đề ra, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt xa so với chỉ tiêu bình đẳng giới của quốc gia như chỉ tiêu về sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng. Đặc biệt, công tác hoàn thiện thể chế về bình đẳng giới và lồng ghép giới vào công tác xây dựng pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật; hòa giải cơ sở; trợ giúp pháp lý; hành chính tư pháp; hợp tác quốc tế... ngày càng đi vào thực chất, có chiều sâu, từ đó góp phần tạo nên những cơ sở pháp lý vững chắc để phụ nữ và nam giới ở tất cả mọi miền của đất nước được tăng cường và thụ hưởng quyền bình đẳng của mình trên mọi phương diện của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội.  
 

Đồng chí Phan Thị Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị
 
Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác bình đẳng giới của ngành Tư pháp cũng còn những hạn chế cần sớm khắc phục như: công tác lồng ghép giới trong xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền ở các bộ, ngành, địa phương chưa đảm bảo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản QPPL và Luật Bình đẳng giới; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới tuy đã chủ động, tích cực nhưng chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về bình đẳng nam nữ…
Để góp phần khắc phục những hạn chế trong công tác bình đẳng giới và thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, trong thời gian qua, Ban VSTBPN ngành Tư pháp đã chủ động tham mưu với Lãnh đạo Bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả lồng ghép giới trong hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, Ngành, từ đó tạo chuyển biến rõ nét hơn nữa trong cuộc đấu tranh loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, ngăn ngừa và giảm thiểu hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái xuất phát từ định kiến giới. Một trong những giải pháp đó là xây dựng Tài liệu hướng dẫn LGG trong xây dựng VBQPPL và PBGDPL dành cho các cơ quan tư pháp địa phương.
Tài liệu được thiết kế dưới hình thức tư liệu điện tử, phục vụ rộng rãi nhu cầu nghiên cứu, học tập nâng cao nhận thức và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công tác xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương, đồng thời phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của những cá nhân, tổ chức quan tâm đến vấn đề giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và tăng cường lồng ghép vấn đề giới trong hoạt động chuyên môn.
 

 
Tài liệu được xây dựng dưới sự chủ trì của Ban VSTBPN ngành Tư pháp, sự tham gia của nhóm chuyên gia giàu kinh nghiệm trong công tác bình đẳng giới và xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp, với hỗ trợ kỹ thuật tích cực của UNICEF trong khuôn khổ Chương trình tăng cường luật pháp và tư pháp tại Việt Nam (EUJULE) do Liên minh châu Âu tài trợ và đóng góp tài chính của UNICEF và UNDP.
Phát biểu tại lớp tập huấn, bà Nguyễn Thanh Trúc, Chuyên gia Bảo vệ trẻ em của UNICEF nhấn mạnh, “tại lớp tập huấn thử này, chúng tôi mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong xây dựng pháp luật, phổ biến và giáo dục pháp luật thuộc Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp nhằm phục vụ cho việc hoàn thiện tài liệu tập huấn. Chúng tôi hy vọng rằng, sản phẩm cuối cùng sẽ được BVSTBPN của Bộ sử dụng để nâng cao năng lực cho cán bộ tư pháp trong những năm tiếp theo; đồng thời, cũng sẽ được chắt lọc để đưa vào một chương trình giảng dạy trực tuyến về lồng ghép giới và bạo lực giới để mở rộng phạm vi tiếp cận. mang lại hiệu quả to lớn hơn.”
Tài liệu gồm 03 phần chính: Phần thứ nhất: Một số vấn đề chung; Phần thứ hai: Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và Phần thứ ba: Lồng ghép bình đẳng giới trong công tác PBGDPL.
Tài liệu đã được chỉnh lý nhiều lần trên cơ sở ý kiến góp ý của các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp; một số Sở Tư pháp; chuyên gia trong nước và quốc tế về pháp luật, về bình đẳng giới trước khi được sử dụng để làm tài liệu cho buổi tập huấn ngày hôm nay.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã được lắng nghe các chuyên gia giới thiệu về các phần nội dung của Tài liệu; đồng thời, trao đổi, thảo luận về một số vấn đề quan trọng, như: Kết cấu, bố cục nội dung của dự thảo Tài liệu; Các khái niệm nêu trong tài liệu; Những nội dung của tài liệu về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản QPPL; Những nội dung của tài liệu về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật…
N.D