Phó Cục trưởng Vũ Thị Hoàng Hà: “TGPL tham gia rất tích cực vào công tác đền ơn đáp nghĩa”

22/07/2021
Phó Cục trưởng Vũ Thị Hoàng Hà: “TGPL tham gia rất tích cực vào công tác đền ơn đáp nghĩa”
Mỗi vụ việc trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người có công với cách mạng nói riêng, người được TGPL nói chung đều gắn với một con người, một số phận, một hoàn cảnh và có nhiều khó khăn riêng cần tháo gỡ...

Hoạt động TGPL cho người có công với cách mạng trong những năm qua, đặc biệt là kể từ khi Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2017 ra đời đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng và nhà nước, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đối tượng được TGPL là người có công với cách mạng. Nhân Kỷ niệm 74 năm Ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2021), chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn bà Vũ Thị Hoàng Hà, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp về vấn đề này.

PV: Bà có thể cho biết một số kết quả TGPL cho người có công với cách mạng theo Luật TGPL 2017?

Bà Vũ Thị Hoàng Hà: Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một nhiệm vụ được Ngành Tư pháp triển khai từ năm 1997, đây được coi là một chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong tổng thể các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Việc thành lập tổ chức TGPL miễn phí theo Quyết định số 734/TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ cho người nghèo và các đối tượng chính sách xuất phát từ chủ trương xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa và luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.

Có thể thấy, ngay từ khi thành lập (năm 1997), công tác TGPL đã hướng tới phục vụ đối tượng người có công với cách mạng. Đến Luật TGPL năm 2006 và gần đây nhất là Luật TGPL năm 2017 (có hiệu lực từ 01/01/2018) cũng đã luôn quan tâm, đặt người có công với cách mạng là một trong những đối tượng được ưu tiên.

Hoạt động TGPL trực tiếp giúp đỡ về pháp luật thông qua các hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật cho 14 nhóm đối tượng được TGPL theo Luật TGPL năm 2017, trong đó có nhóm đối tượng là người có công với cách mạng. Khi các nhóm đối tượng được TGPL có yêu cầu TGPL, họ sẽ được miễn phí hoàn toàn, không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.

Thực tiễn hoạt động TGPL trong những năm qua đã chứng minh, hoạt động TGPL đã tham gia rất tích cực vào công tác đền ơn đáp nghĩa. Triển khai Luật TGPL, các Tổ chức thực hiện TGPL đã rất nỗ lực để thực hiện vụ việc TGPL nói chung, vụ việc TGPL cho người có công với cách mạng nói riêng. Tính từ 01/01/2018 đến hết 30/6/2021, các Tổ chức thực hiện TGPL đã thực hiện 119.942 vụ việc TGPL, trong đó có 71.703 vụ việc tư vấn pháp luật; 47.082 vụ việc tham gia tố tụng và 1.157 vụ việc đại diện ngoài tố tụng, số vụ việc TGPL cho người có công với cách mạng là 17.716 vụ, chiếm khoảng 17% tổng số vụ việc TGPL được thực hiện.

Mặc dù số lượng vụ việc TGPL cho người có công với cách mạng do các Tổ chức thực hiện TGPL thực hiện chưa phải là nhiều so với tổng số các vụ việc TGPL, nhưng so với 14 nhóm đối tượng được TGPL, số lượng vụ việc TGPL cho nhóm đối tượng là người có công với cách mạng đứng thứ 3 (chỉ sau nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và nhóm đối tượng là người nghèo).

Như vậy, có thể nói, trong những năm qua, đặc biệt là từ khi Luật TGPL năm 2017 có hiệu lực đến nay, công tác TGPL cho nhóm người có công với cách mạng đã kịp thời tháo gỡ những vướng mắc pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, mang lại niềm tin của họ vào tổ chức thực hiện TGPL nhà nước và đội ngũ người thực hiện TGPL, đóng góp một phần không nhỏ vào thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước ta.

PV: Bà có thể thông tin thêm về chất lượng vụ việc TGPL cho người có công với cách mạng và các biện pháp mà Cơ quan quản lý nhà nước về TGPL, tổ chức thực hiện TGPL trong thời gian qua đã thực hiện nhằm bảo đảm chất lượng vụ việc TGPL?

Bà Vũ Thị Hoàng Hà: Xác định TGPL trong tố tụng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác TGPL, trong những năm qua các Trung tâm TGPL nhà nước đã tập trung vào thực hiện vụ việc tham gia tố tụng, vì thế mà vụ việc tham gia tố tụng hàng năm đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Bên cạnh việc tập trung vào số lượng vụ việc thì chất lượng vụ việc TGPL cũng được các Trung tâm quan tâm, chú trọng.

Qua theo dõi các địa phương, chúng tôi nhận thấy: hầu hết vụ việc TGPL nói chung, vụ việc TGPL cho người có công với cách mạng nói riêng được các địa phương đánh giá đạt chất lượng khá và tốt; không có vụ việc bị khiếu nại hay kiến nghị không đạt chất lượng.

Nhiều vụ việc tham gia tố tụng do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện có kết quả tích cực, quan điểm bào chữa, bảo vệ cho người được TGPL của Trợ giúp viên pháp lý được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận, được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh, thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát, thậm chí được vô tội, có nhiều vụ việc được dư luận xã hội quan tâm.

Để có được kết quả trên, trong thời gian qua, Cục Trợ giúp pháp lý và các Trung tâm TGPL nhà nước đã tập trung nâng cao chất lượng vụ việc TGPL thông qua việc tập huấn, bồi dưỡng trang bị kiến thức và kỹ năng TGPL cho đội ngũ người thực hiện TGPL.

Việc tập huấn, bồi dưỡng được tổ chức thường xuyên, đặc biệt tập trung vào bồi dưỡng các kỹ năng chuyên sâu trong thực hiện vụ việc TGPL như kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, kỹ năng tham gia hỏi cung, tranh luận tại tòa, trao đổi kinh nghiệm trong thực tiễn thực hiện vụ việc TGPL cụ thể; cũng như kỹ năng TGPL trong các lĩnh vực có nhiều yêu cầu TGPL như kỹ năng trong lĩnh vực hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình, hành chính...

Bên cạnh đó, từng Trợ giúp viên pháp lý, người thực hiện TGPL tự hoàn thiện bản thân, cập nhật kiến thức, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng TGPL cũng đã góp phần nâng cao chất lượng vụ việc TGPL.

Mỗi vụ việc TGPL cho người có công với cách mạng nói riêng, người được TGPL nói chung đều gắn với một con người, một số phận, một hoàn cảnh và có nhiều khó khăn riêng cần tháo gỡ. Vì thế, các Trợ giúp viên pháp lý luôn trăn trở với từng vụ việc cụ thể để nghiên cứu, tìm ra những bằng chứng, luận cứ bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, đặc biệt là người có công với cách mạng đã thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, tính chuyên nghiệp và bản lĩnh nghề nghiệp của các Trợ giúp viên pháp lý.

Tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới, sẽ có nhiều vụ việc TGPL thành công, chất lượng vụ việc TGPL được nâng lên, đồng nghĩa với việc vị thế, vai trò của các Trợ giúp viên pháp lý nói riêng và Trung tâm TGPL nhà nước nói chung cũng sẽ ngày càng được nâng lên.

PV: Để hoạt động TGPL tham gia hơn nữa vào thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, cũng như hỗ trợ có hiệu quả cho người có công với cách mạng nói riêng, người thuộc đối tượng được TGPL nói chung, theo bà trong thời gian tới cần phải thực hiện những giải pháp gì?

Bà Vũ Thị Hoàng Hà: Theo tôi để hoạt động TGPL tham gia hơn nữa vào công tác đền ơn đáp nghĩa, đáp ứng hơn nữa yêu cầu TGPL của người được TGPL nói chung, người có công với cách mạng nói riêng, trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp sau đây:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy và chính quyền địa phương đối với công tác TGPL nhằm tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương với công tác này.

Hai là, tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện vụ việc TGPL, đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng bởi lẽ khi người có công với cách mạng và nhóm yếu thế khác vướng vào vòng lao lý họ sẽ rất cần đến sự giúp đỡ về mặt pháp lý của các Trung tâm TGPL nhà nước.

Ba là, nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL thông qua việc tiếp tục nâng cơ cấu số lượng trợ giúp viên pháp lý trong tỷ lệ số lượng người làm việc tại Trung tâm TGPL nhà nước; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ TGPL, kỹ năng TGPL, đặc biệt là kỹ năng trong các lĩnh vực mà người dân có nhiều yêu cầu (kỹ năng TGPL trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, hành chính).

Bốn là, tiếp tục nghiên cứu cơ chế thu hút các cá nhân, tổ chức có kiến thức, trình độ, kinh nghiệm trong xã hội tham gia hơn nữa vào công tác TGPL thông qua việc ký hợp đồng thực hiện TGPL, đăng ký tham gia TGPL.

Năm là, mặc dù thời gian qua Cục TGPL và các Trung tâm TGPL đã tập trung vào công tác truyền thông, tuy nhiên, đến nay vẫn còn một bộ phận người dân chưa biết đến hoạt động này, do đó, trong thời gian tới, Cục TGPL và các Trung tâm TGPL cần phải tiếp tục đổi mới công tác truyền thông về TGPL với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nhất là truyền thông về các vụ việc phức tạp, điển hình, vụ việc có tầm ảnh hưởng được dư luận xã hội quan tâm để người dân, cơ quan, tổ chức biết nhiều hơn đến công tác TGPL, tránh tình trạng bỏ sót nhu cầu TGPL.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh cơ chế phối hợp và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc hướng dẫn, giải thích, phát hiện và chuyển gửi đối tượng đến Trung tâm TGPL nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm nhằm kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL; nghiên cứu và triển khai cơ chế người thực hiện TGPL trực tại các cơ quan tiến hành tố tụng (tòa án, cơ quan công an) để sớm giúp người được TGPL ngay từ khi họ vướng vào vòng lao lý.

Bảy là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác TGPL; tùy điều kiện thực tế ở mỗi địa phương cần tích cực thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực TGPL ở mức độ phù hợp, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay.

Và điều cuối cùng tôi muốn nói đến là Nhà nước luôn sẵn sàng đồng hành cùng với người dân để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, kể cả khi họ có vướng mắc về pháp luật.

Do vậy, khi có vướng mắc liên quan đến các lĩnh vực pháp luật (trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại), người thuộc diện được TGPL hãy liên hệ với các tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL ở địa phương để được giúp đỡ miễn phí theo đúng quy định của pháp luật.

Danh sách các Trung tâm TGPL nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật có đủ điều kiện thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp hoặc gọi đến các đường dây nóng về TGPL tại Cục TGPL và các Trung tâm TGPL nhà nước trên toàn quốc.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Chăm lo, ưu đãi đối với người có công với cách mạng là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng thể hiện trách nhiệm, sự ghi nhận, tôn vinh đối của Nhà nước với những cống hiến to lớn của các thế hệ cha anh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc. Và một trong những hoạt động ý nghĩa đó là hoạt động trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng.
Hồng Thúy (thực hiện)

baophapluat.vn