Tiếp tục tập trung cải cách thể chế để tăng cường cải cách hành chính

12/07/2021
Tiếp tục tập trung cải cách thể chế để tăng cường cải cách hành chính
Trong bộ Chỉ số Cải cách hành chính hàng năm thì chỉ số về cải cách thể chế luôn được xác định là nhóm chỉ số quan trọng nhất. Điều này phù hợp với quan điểm của Đảng, Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và công tác cải cách thể chế là một trong những trọng tâm thực hiện cải cách hành chính.
Đây cũng là nội dung của tọa đàm với chủ đề “Vai trò quan trọng của cải cách thể chế trong cải cách hành chính” diễn ra chiều 9/7, do Văn phòng Bộ Tư pháp và Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức với sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp. Các khách mời tham dự tọa đàm là Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Lê Tuấn Phong, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Thu Hòe và Luật sư Trương Thanh Đức – Công ty Luật Anvi.
Năm thứ 3 liên tiếp Bộ Tư pháp đứng top 3 về cải cách hành chính
Giới thiệu một số kết quả cơ bản của bảng xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) năm 2020 (PAR Index 2020), Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Lê Tuấn Phong cho biết, ngày 24/6 vừa qua, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số CCHC 2020. Theo đó, ở Trung ương, xếp hạng 17 bộ, ngành và có 2 cơ quan bộ, ngành có đánh giá nhưng không xếp hạng.
Trong 17 bộ, ngành có xếp hạng thì phân thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm 3 đơn vị đạt số điểm trên 90%, trong đó có Bộ Tư pháp đứng thứ 3. Nhóm thứ hai gồm 14 đơn vị còn lại, đạt điểm từ trên 80% đến dưới 90%. Ở địa phương đã đánh giá, xếp hạng đối với 63 tỉnh, thành.
Điều đáng mừng là Chỉ số CCHC năm 2020 ở cả Trung ương và địa phương đã đạt điểm tuyệt đối cao nhất từ trước đến nay. Tính riêng các cơ quan Trung ương, điểm năm 2020 so với năm 2019 đã tăng gần 2% và so với năm đầu tiên tiến hành đánh giá – năm 2012 thì đã tăng hơn 12%.Về phía Bộ Tư pháp, theo kết quả năm 2020 được công bố, Bộ tiếp tục giữ vị trí số 3 trong 17 bộ, ngành được xếp hạng với điểm số 94/100. Điểm số này thể hiện ở 2 nhóm điểm: Nhóm điểm tự chấm điểm, thẩm định của Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan thì Bộ Tư pháp đứng thứ 3/17 bộ, ngành; Nhóm điểm thông qua đánh giá, điều tra xã hội học thì Bộ Tư pháp tiến bộ vượt bậc, từ vị trí thứ 10 của năm 2019 vượt lên xếp vị trí thứ 2/17 bộ, ngành năm 2020. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, điểm tuyệt đối về CCHC của Bộ Tư pháp được tăng liên tục và là năm thứ 3 liên tiếp Bộ giữ vị trí thứ 3 thuộc nhóm dẫn đầu của bộ Chỉ số CCHC.
Đạt được kết quả trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thủ trưởng các đơn vị đối với công tác CCHC nói chung, nhất là cải cách thể chế, pháp luật. Bên cạnh đó là sự nỗ lực, phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Tư pháp.
Đến từ Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Hòe chia sẻ: Để xác định điểm số CCHC của Bộ Tư pháp, các đơn vị thuộc Bộ đều đóng góp vào quá trình đạt những kết quả tích cực trong CCHC nói chung của Bộ. Trong đó, Cục Kiểm tra VBQPPL đóng góp vào lĩnh vực kiểm tra, rà soát, pháp điển QPPL.
Riêng công tác kiểm tra VBQPPL, những năm gần đây, Cục đã kiểm tra trung bình 5.000 VB mỗi năm và năm 2018 đã kết luận 84 VB trái pháp luật, năm 2019 là 165 VB, năm 2020 có 68 VB và 6 tháng đầu năm 2020 là gần 70 VB trên cơ sở kiểm tra các thông tư và các VBQPPL do chính quyền địa phương ban hành, giúp hệ thống pháp luật hợp hiến, hợp pháp, thống nhất.
Còn về công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, năm 2020 với nhiệm vụ mới được giao là cơ quan thường trực Tổ công tác của Chính phủ về rà soát, hệ thống hoá VB QPPL, Cục đã tổ chức rà soát VB QPPL ở Trung ương.
Theo đó, đã tổ chức rà soát gần 8.800 VB, tham mưu trình Quốc hội báo cáo rà soát 10 chuyên đề và tiếp đến đã tham mưu ban hành Quyết định 889/QĐ-TTg với danh mục 16 luật, 12 nghị định, 4 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ cần xem xét sửa đổi, bổ sung.
Với số lượng VB được kiểm tra, rà soát lớn như vậy đã đảm bảo cho hệ thống pháp luật được minh bạch, hợp hiến, hợp pháp, trong đó có những VB về điều kiện đầu tư, kinh doanh giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính được thuận lợi hơn, giảm chi phí tuân thủ.

Đối với công tác pháp điển, theo kế hoạch là sẽ hoàn thành pháp điển hệ thống QPPL vào năm 2023 và Cục đang nỗ lực về đích sớm hơn kế hoạch đề ra. Hiện đã pháp điển được 185/271 đề mục, người dân, doanh nghiệp có thể truy cập vào Cổng thông tin điện tử pháp điển để tra cứu, sử dụng kết quả pháp điển đã được đăng tải công khai, minh bạch, dễ dàng tiếp cận.
Nói về yếu tố tác động đến công tác cải cách thể chế, theo bà Hòe, đó là các yếu tố như năng lực của nền hành chính; sự tham gia của người dân trong chấp hành, thi hành các chủ trương, chính sách, pháp luật; cơ sở vật chất, điều kiện hạ tầng, tổ chức bộ máy của cơ quan hành chính nhà nước. Trong đó, yếu tố tác động lớn nhất có thể là năng lực của nền hành chính và sự tuân thủ của người dân, nếu các yếu tố này tốt, luôn được cải thiện thì chúng ta sẽ có hệ thống thể chế tốt.
Phấn đấu xây dựng hệ thống pháp luật có chất lượng cao hơn
Về tác động tích cực của lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế trong bộ Chỉ số CCHC đối với người dân và doanh nghiệp, Luật sư Trương Thanh Đức nhận định, kết quả đã đem lại quyền lợi sát sườn, có thể nhìn thấy được là giảm được các thủ tục hành chính sẽ giảm được thời gian, chi phí, công sức của rất nhiều người – cả người dân, doanh nghiệp lẫn cán bộ nhà nước trong thực hiện các thủ tục hành chính.
Đồng thời, khi các thủ tục được tiến hành dễ dàng, thuận tiện, minh bạch thì người dân, doanh nghiệp sẵn sàng chấp hành, tuân thủ, không ngại đến cơ quan hành chính nhà nước, không ngại thực hiện các thủ tục đầu tư, kinh doanh. Từ đó, mọi người sẽ tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội, đầu tư đóng góp cho nền kinh tế.
Nhận thấy Bộ Tư pháp gần như phải bao quát hết mọi vấn đề liên quan đến cải cách thể chế, Luật sư Đức đánh giá cao đóng góp của Bộ Tư pháp trong công tác này, nhất là chủ trì thẩm định VBQPPL, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống pháp luật. Riêng về thủ tục hành chính, Luật sư Đức cho rằng, đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp luôn làm kỹ, rà soát, cho ý kiến đầy đủ, bài bản.
Tuy nhiên, xuất phát từ mong muốn của người dân, doanh nghiệp, Luật sư Đức bày tỏ, người dân và doanh nghiệp luôn kỳ vọng hệ thống pháp luật sẽ còn tốt hơn nữa. Bởi trên thực tế vẫn còn tình trạng văn bản pháp quy ban hành trái pháp luật hay người dân, doanh nghiệp cần tra cứu VB vẫn chưa thuận tiện, đòi hỏi nâng cấp thêm dịch vụ, tiện ích tra cứu. Ngoài ra, Luật sư Đức khẳng định cần quan tâm đến công tác thi hành pháp luật để hiểu và thi hành thống nhất các quy định pháp luật.
Thời gian tới, ông Lê Tuấn Phong cho biết Văn phòng Bộ sẽ tiếp tục tập trung tham mưu cho Lãnh đạo Bộ về công tác CCHC, nhất là cải cách thể chế, pháp luật. Cụ thể, sẽ tham mưu triển khai đầy đủ các lĩnh vực CCHC trong Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 – 2030, trọng tâm hàng đầu là cải cách thể chế; tham mưu để tham gia trực tiếp và triển khai Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Đồng thời, tham mưu thường xuyên rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật nói chung, thể chế pháp luật trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp như luật sư, công chứng, giám định, lý lịch tư pháp…, bảo đảm phù hợp với VB của cấp trên và với thực tiễn của đời sống xã hội. Ngoài ra, các đơn vị thuộc Bộ sẽ tập trung tham mưu xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh còn mâu thuẫn, chồng chéo, gây khó khăn, vướng mắc cho đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội…
Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Hòe chia sẻ, năm 2021, Cục sẽ tiếp tục kiểm tra các lĩnh vực pháp luật liên quan đến người dân, doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực pháp luật về giá; tham mưu rà soát hệ thống pháp luật đối với 5 chuyên đề, trong đó có lĩnh vực pháp luật về đất đai, pháp luật về công nghệ để theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, pháp luật về giáo dục. Dự kiến đến tháng 8, Cục sẽ báo cáo Chính phủ để tháng 10 tới trình Quốc hội.
Luật sư Trương Thanh Đức bổ sung, sức ép của hội nhập, cải cách sẽ buộc chúng ta tiếp tục phải xây dựng hệ thống pháp luật có chất lượng cao hơn, mang tính cạnh tranh hơn. Ông tin tưởng với cách thức triển khai hiện nay, chúng ta sẽ nhanh chóng có được những quy định, những thủ tục hành chính đột phá trong tương lai.
T.Quyên
 
 

baophapluat.vn