Họp Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm

29/06/2021
Họp Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm
Chiều ngày 25/6/2021, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã tổ chức họp Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm (sau đây gọi là dự thảo Nghị định) để cho ý kiến về kết cấu, phạm vi điều chỉnh và một số nội dung cơ bản trong đăng ký biện pháp bảo đảm. Cuộc họp do ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Cục trưởng, Tổ trưởng Tổ Biên tập xây dựng dự thảo Nghị định chủ trì, bà Nguyễn Thị Thu Hằng Phó Cục trưởng, Tổ phó Tổ biên tập; thành viên Tổ biên tập là đại diện Văn phòng Chính phủ (Cục KSTTHC), Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam), Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Sở Tư pháp Hà Nội, một số đơn vị thuộc Bộ (Vụ PLDSKT, Tổng cục THADS, Cục BTTP, Cục KTVBQPPL, Cục CNTT, Văn phòng Bộ), đại diện Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại TP Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện…
 

 
Thay mặt Thường trực Tổ Biên tập, bà Nguyễn Quang Hương Trà - Trưởng Phòng Quản lý nghiệp vụ đã giới thiệu dự thảo về kết cấu, phạm vi điều chỉnh và một số nội dung cơ bản trong dự thảo Nghị định. Trong đó, về phạm vi điều chỉnh, bên cạnh kế thừa Nghị định số 102/2017/NĐ-CP cân nhắc ghi nhận trường hợp người dân, doanh nghiệp có yêu cầu được đăng ký các nội dung khác liên quan đến bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; đồng bộ, thống nhất giữa quy định chung với quy định riêng trong thủ tục đăng ký chuyên ngành; quy định về đăng ký, cung cấp thông tin, trao đổi thông tin qua mạng thông tin điện tử; giá trị pháp lý bản ghi điện tử; tách bạch giữa xóa đăng ký với hủy việc đăng ý; hậu quả của việc đăng ký thay đổi dẫn tới chấm dứt một phần nội dung được đăng ký; tách bạch giữa cung cấp thông tin (theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức) với trao đổi thông tin (giữa cơ quan đăng ký với các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong quản lý nhà nước, giải quyết vụ việc về hành chính, dân sự, tố tụng)…

       

Tại buổi họp, các thành viên Tổ Biên tập và đại biểu tham dự đánh giá cao công tác chuẩn bị của Thường trực Tổ Biên tập, đồng thời tích cực tham gia, đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dung được đưa ra thảo luận. Những vấn đề, vướng mắc trong thực tiễn đã được các đại biểu tiếp cận trên những phương diện, tiếp cận khác nhau để dự thảo Nghị định có được sự quy định phù hợp nhất, khả thi trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với Bộ luật Dân sự, pháp luật khác có liên quan... Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho ý kiến cụ thể về phạm vi điều chỉnh, hướng tiếp cận và mục tiêu cần đạt được trong quy định về trường hợp đăng ký, hiệu lực đăng ký, đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin, trao đổi thông tin về biện pháp bảo đảm… đảm bảo sự thuận lợi, giảm thiểu rủi ro, chi phí cho người dân, doanh nghiệp và hiệu quả của cải cách thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công.

       

 
       
 
Thay mặt Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và Thường trực Tổ Biên tập, ông Nguyễn Hồng Hải cám ơn về sự tham gia và có ý kiến rất trách nhiệm, tâm huyết của các thành viên Tổ Biên tập, đại diện một số cơ quan, tổ chức. Trên cơ sở kết quả phiên họp, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, trong phạm vi thẩm quyền sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, thành viên Tổ biên tập để nghiên cứu, từng bước hoàn thiện dự thảo Nghị định, chuẩn bị nội dung báo cáo Ban soạn thảo với quan điểm tiếp cận: Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật liên quan, không chồng chéo, trùng lắp về thẩm quyền đăng ký, thủ tục đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp cận, minh bạch, ít rủi ro, bao quát được tối đa các vấn đề phát sinh trong thực tiễn và hạn chế tối đa việc phải có hướng dẫn tại văn bản Thông tư.