Tọa đàm được thực hiện dưới dự chủ trì của ông Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam và bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Bộ Tư pháp. Tham dự Tọa đàm gồm có đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp và Phòng phụ trách công tác theo dõi thi hành pháp luật của 25 tỉnh/thành phố khu vực phía Nam.
Báo cáo tại Tọa đàm, ông Hoàng Huy Trường, Trưởng phòng Công tác tư pháp Cục Công tác phía Nam nhận định các địa phương trong Khu vực đã quan tâm, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1 và đạt được những kết quả tích cực. Các văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành đảm bảo tính pháp lý, tính khả thi, phục vụ có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội. Các địa phương thực hiện tốt việc kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật để bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp với quy định của pháp luật, không gây ảnh hưởng, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Công tác cải cách hành chính được chú trọng, thực hiện niêm yết đầy đủ, công khai các thủ tục hành chính và biểu mẫu liên quan, rà soát, cập nhật thường xuyên các thủ tục hành chính; Thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; Tạo cầu nối, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp…
|
|
|
Các ý kiến phát biểu nhất trí với báo cáo của Cục Công tác phía Nam, đồng thời tập trung nêu lên những kết quả đạt được, cũng như khó khăn trong việc cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật tại địa phương. Ông Nguyễn Quốc Trí, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bình Dương chia sẻ, tỉnh đã có nhiều cải tiến về các quy định thu hút đầu tư và thủ tục hành chính, đạt hiệu quả cao. Tỉnh đã thành lập Tổ Tư vấn thủ tục hành chính và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính với Tổ trưởng là lãnh đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Tư vấn viên thường trực thuộc các sở, ban, ngành trực tư vấn 5 ngày/tuần tại trụ sở làm việc của cơ quan; từ đó tạo môi trường làm việc điện tử, hiện đại và thân thiện, tạo ra sự hài lòng cho doanh nghiệp, thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, tạo môi trường đầu tư bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi.
Theo ông Phan Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh, công tác rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh luôn được thành phố chú trọng thực hiện, nhằm đối chiếu, xác định những quy định của pháp luật cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương thường xuyên thay đổi và chưa đồng bộ, gây khó khăn cho công tác rà soát văn bản tại địa phương. Ông kiến nghị các Bộ, ngành kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính trên tinh thần quán triệt và tuân thủ triệt để các yêu cầu, tiêu chí đặt ra trong các Nghị quyết của Chính phủ; ngoài ra, Bộ Tư pháp cần hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng Cơ sở dữ liệu về kiểm tra, rà soát văn bản.
|
|
|
Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước, Giám đốc Lê Tiến Hiếu cho biết tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ việc thu phí trực tuyến, riêng lĩnh vực đất đai đã thu về hơn 3 tỷ đồng; nếu sở ngành để xảy ra tình trạng giải quyết thủ tục hành chính quá hạn thì người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm. Ông cũng nêu một số khó khăn như: nhiều thủ tục hành chính cấp trung ương chậm ban hành và công bố nên địa phương khó thực hiện, việc chuyển dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 3 sang 4 còn chậm; báo cáo nhiều khi chưa kịp thời do Sở Tư pháp chỉ là đầu mối tổng hợp thông tin các sở ngành khác. Ông kiến nghị hạn chế giao địa phương ban hành quy định về phí, lệ phí.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Phạm Quốc Sử, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau nêu khó khăn về thể chế quy định chỉ số B1 chưa hoàn thiện, có sự chồng lấn với các chỉ số khác như chỉ số cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, chỉ số cạnh tranh CPI nên cần có sự nghiên cứu toàn diện, xác định chỉ số B1 tham gia vào khâu nào về hoàn thiện thể chế, đồng thời quy định cụ thể về trách nhiệm của các sở ngành liên quan. Bên cạnh đó, việc cắt giảm thủ tục hành chính gây áp lực cho địa phương không chỉ thời gian mà còn về cắt giảm nội dung các điều kiện thực hiện thủ tục…
Ngoài ra, một số ý kiến tại Tọa đàm cho rằng đây là nhiệm vụ mới, phức tạp, cần sự phối hợp nhiều sở, ngành trong khi công chức chưa được tập huấn thường xuyên, tính chuyên nghiệp và kỹ năng còn hạn chế, nhân lực còn thiếu, kinh phí chưa đáp ứng nhu cầu…
Giải đáp thắc mắc của địa phương, bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Bộ Tư pháp ghi nhận nhiệm vụ cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật là nhiệm vụ khó khăn, cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ban ngành và địa phương trong khi bộ máy nhân sự tinh giản và kinh phí hạn chế. Cục sẽ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các địa phương để báo cáo Chính phủ tháo gỡ. Bên cạnh đó, bà Phương đề nghị các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền để doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp thông qua phản ánh của các hội viên chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc nêu khó khăn cũng như đề xuất các biện pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật.
|
|
|
Kết thúc Tọa đàm, Ông Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao sự tham gia của các địa phương trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Sắp tới, Bộ Tư pháp cần nghiên cứu các quy định, hướng dẫn về chỉ số B1 tránh chồng lấn với các chỉ số khác. Ông cũng đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp nêu tại Công văn số 702/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 15/3/2021 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật; Tăng cường công tác truyền thông; Nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; Tiếp tục rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định không rõ ràng, cụ thể, không khả thi, cản trở đầu tư kinh doanh, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp; Tăng cường công tác cải cách hành chính, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức... Thực hiện đồng bộ các giải pháp này sẽ góp phần cải thiện chỉ số tuân thủ pháp luật, nâng cao năng lực cạnh tranh cho địa phương./.