Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng thẩm định dự án luật qua tổ chức hội thảo trước khi thẩm định

05/05/2021
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng thẩm định dự án luật qua tổ chức hội thảo trước khi thẩm định
Để góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính tổ chức “Hội thảo trao đổi, lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)” vào ngày 28-29/4/2021 tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Mục đích của Hội thảo là lấy ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nói chung và lĩnh vực hợp đồng bảo hiểm nói riêng, đồng thời lắng nghe tiếng nói, kiến nghị của các thành viên tham gia thị trường kinh doanh bảo hiểm, các chuyên gia kinh tế, pháp lý để cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài chính) hoàn thiện dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trước khi gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định. Đồng thời, Hội thảo là cơ hội để Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế) có thêm đầy đủ thông tin nhằm chuẩn bị tốt nhất cho việc thẩm định một dự án Luật rất đồ sộ với nhiều vấn đề kinh tế, kỹ thuật mới, rất chuyên sâu trong lĩnh vực bảo hiểm.
Đồng chủ trì Hội thảo là ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp và ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính. Hội thảo còn có sự tham gia của Bà Trương Thị Diệu Thúy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội; lãnh đạo Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế và lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm; đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp; đại diện Hiệp hội kinh doanh bảo hiểm, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, một số công ty luật, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm và chuyên gia của trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh và một số tổ chức có liên quan.
Trong thời gian hai ngày, Hội thảo đã tập trung vào 05 nhóm vấn đề lớn của dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), gồm: (i) Hợp đồng bảo hiểm; (ii) Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; (iii) Bảo hiểm vi mô; (iv) Đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; và (v) Tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo tài chính. Trong từng nhóm vấn đề, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận sâu, đa chiều về tính hợp pháp, tính thống nhất và tính khả thi của các quy định liên quan, có so sánh với kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam. Một số vấn đề cụ thể còn có nhiều ý kiến khác nhau dưới góc độ kinh tế cũng như góc độ pháp lý, như: nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giao kết hợp đồng bảo hiểm, tuyên hợp đồng vô hiệu, cơ sở xác định vốn trên cơ sở rủi ro (RBC)… đã được trao đổi chi tiết nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định liên quan trong dự án Luật.
Các đại biểu tham dự đánh giá rất cao mục đích, ý nghĩa cũng như chất lượng của Hội thảo; đồng thời mong muốn tiếp tục có những hội thảo tương tự để tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, qua đó góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của cơ quan thẩm định văn bản quy phạm pháp luật trong cộng đồng doanh nghiệp lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Ngô Việt Trung và ông Nguyễn Thanh Tú đánh giá cao sự chuẩn bị của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính đối với nội dung dự thảo Luật; đồng thời đánh giá cao sự chủ động, tích cực tham gia từ đầu và phối hợp chặt chẽ của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế để chuẩn bị tốt cho công tác thẩm định dự án Luật trong thời gian tới. Hai bên nhất trí trong khoảng thời gian gấp rút tới đây, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật trên cơ sở kết quả Hội thảo, trình Bộ Tài chính để gửi Bộ Tư pháp thẩm định; sau khi nhận hồ sơ thẩm định dự thảo Luật, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế sẽ báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp, phối hợp với Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan, các thành viên thị trường kinh doanh bảo hiểm để tổ chức thẩm định và xây dựng báo cáo thẩm định có chất lượng.