Tiếp tục cải thiện chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam

12/04/2021
Tiếp tục cải thiện chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam
Ngày 9/4, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Anh, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo “Các giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật nhằm góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam”. Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp và bà Diana Torres, Trợ lý Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Đặng Thanh Sơn cho biết: Thực hiện nhiệm vụ “Nâng xếp hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật” (chỉ số B1) tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 được Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tích cực chủ động, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trên toàn quốc tập trung tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện điểm số, nâng xếp hạng chỉ số B1 nói trên.
Ngày 08/10/2019, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố Báo cáo cạnh tranh toàn cầu năm 2019. Theo đó, năm 2019, Việt Nam đã cải thiện về điểm số và vị trí xếp thứ hạng về chỉ số B1 so với năm 2018, điểm số và vị trí xếp thứ hạng của Việt Nam về chỉ số B1 được nâng lên 17 bậc so với năm 2018 (vượt 15 bậc so với chỉ tiêu mà Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 đề ra).
Để tiếp tục cải thiện điểm số và nâng thứ hạng chỉ số B1, ngày 01/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, Chính phủ đề ra mục tiêu cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng Chỉ số B1.
Năm 2021, để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngày 01/01/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, trong đó Chính phủ giao các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP (năm 2019 và năm 2020).
Mục đích của Hội thảo lần này nhằm tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả để cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp từ đó hướng đến mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam, góp phần nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Hội thảo tập trung nghe các chuyên gia phân tích, đánh giá về phương thức cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật; về kinh nghiệm, kết quả đạt được của một số Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai công tác cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1 và những bài học bổ ích rút ra từ thực tiễn. Hội thảo cũng là diễn đàn để các chuyên gia, quý vị đại biểu trao đổi, thảo luận về những thông tin liên quan, những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đã, đang và dự kiến có thể sẽ gặp phải trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật, qua đó, cùng nhau trao đổi, đề xuất các giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn thực hiện pháp luật của các doanh nghiệp.
Bà Diana Torress, Trợ lý Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: Trong phạm vi Dự án “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng trong ASEAN” của UNDP  hai năm qua, UNDP và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội đã hỗ trợ các đối tác Việt Nam thông qua và thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là các quy định về khuyến khích doanh nghiệp xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính, không bao che, dung túng với các hành vi tham nhũng… Hệ thống pháp luật minh bạch, cắt giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp là chìa khóa để cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường khả năng hội nhập của Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu.
Tại hội thảo “Các giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam”, đại biểu đến từ các bộ ban ngành và doanh nghiệp liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các chuyên gia pháp lý đã cùng chia sẻ bài học kinh nghiệm và đề xuất các khuyến nghị khả thi từ các lĩnh vực khác nhau nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong Chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật và trong các xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về năng lực cạnh tranh theo chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCI 4.0)
Trên cơ sở đề xuất, kiến ​​nghị của các đại biểu, chuyên gia, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp đề xuất, trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các giải pháp giảm chi phí tuân thủ pháp luật nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020.
K.Q