Rà soát khung pháp luật hiện hành để thực hiện khuyến nghị của UB Nhân quyền trong bối cảnh đại dịch COVID-19

11/01/2021
Rà soát khung pháp luật hiện hành để thực hiện khuyến nghị của UB Nhân quyền trong bối cảnh đại dịch COVID-19
Trong khuôn khổ Chương trình "Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE), được sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), ngày 08/01/2021, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo tham vấn đối với dự thảo Báo cáo rà soát khung pháp luật hiện hành của Việt Nam để thực hiện khuyến nghị 6a của Ủy ban Nhân quyền trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tại thành phố Đà Nẵng.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhiều quốc gia đang chứng kiến sự quay trở lại của đại dịch trong một giai đoạn mới, với những diễn biến mới, phức tạp hơn giai đoạn trước. Đại dịch này đã làm thay đổi thế giới, gây ra tác động tiêu cực cũng như đặt ra những thách thức hết sức to lớn đối với các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đáng kể là các tình trạng suy thoái kinh tế, gia tăng kỳ thị, bất bình đẳng, đói nghèo, mất việc làm... Để giảm thiểu những thách thức này, các quốc gia trên thế giới (trong đó có Việt Nam) đã áp dụng nhiều biện pháp khẩn cấp ứng phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, các biện pháp này đều ít nhiều gây ảnh hưởng nhất định đến việc thụ hưởng các quyền con người, trong đó có các quyền dân sự và chính trị của người dân. Do vậy, việc bảo đảm quyền con người trong đại dịch là vấn đề mà các quốc gia cần ưu tiên với mục tiêu hướng tới là đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cần phải cân bằng giữa các biện pháp phòng chống dịch bệnh (như thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, công bố thông tin về dịch bệnh…) với việc tôn trọng và bảo đảm các quyền dân sự và chính trị của người dân, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương. Do vậy, để đảm bảo các quy định về “giới hạn quyền vì lý do sức khỏe cộng đồng” trong hệ thống pháp luật Việt Nam được xây dựng và thực hiện phù hợp với các yêu cầu của Công ước ICCPR, việc tiến hành rà soát khung pháp luật về vấn đề này là rất cần thiết.
Nhóm chuyên gia nghiên cứu đã tiến hành xây dựng dự thảo Báo cáo “Rà soát khung pháp luật hiện hành của Việt Nam để thực hiện khuyến nghị 6(a) của Ủy ban Nhân quyền trong bối cảnh đại dịch COVID-19” (dự thảo Báo cáo). Việc xây dựng Báo cáo được dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá việc thực hiện các quy định về các hạn chế thực hiện một số quyền trong Công ước ICCPR trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trong đó tập trung vào 4 nhóm quyền chính là quyền không phân biệt đối xử (bao gồm bình đẳng giới); quyền riêng tư; quyền tiếp cận thông tin và quyền tự do đi lại. Trên cơ sở đó, Nhóm chuyên gia đã đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam về hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như thúc đẩy hiệu quả thực thi các quy định Công ước ICCPR.
Hội thảo tham vấn đã nhận được sự tham gia tích cực cùng nhiều ý kiến đóng góp từ các góc độ khác nhau của của các Bộ, ngành như đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ủy ban dân tộc; một số cơ quan tại địa phương như Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cục thi hành án dân sự, Trung tâm trợ giúp pháp lý các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng…; một số cơ quan nghiên cứu, đào tạo như Viện nhà nước và pháp luật; đại diện Đại học Luật Đại học Huế; đại diện Khoa Nhà nước và pháp luật, Học viện Chính trị khu vực 3 thành phố Đà Nẵng; cùng với các tổ chức xã hội như Liên hiệp hội các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE),...
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu tham dự, Nhóm Chuyên gia đã được cung cấp thêm các thông tin, tư liệu, góc nhìn từ các cơ quan, tổ chức khác nhau để hoàn thiện dự thảo Báo cáo, phản ánh đúng tình hình thực tiễn tại Việt Nam. Báo cáo nghiên cứu được kỳ vọng sẽ có giá trị thực tiễn cao, làm sáng tỏ hơn bức tranh tổng thể về những thành tựu, thách thức đặt ra cũng như rút ra các bài học kinh nghiệm, thực tiễn tốt để tiếp tục phát huy trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy hơn nữa việc bảo vệ, bảo đảm các quyền dân sự, chính trị tại Việt Nam./.
Phòng Công pháp và Nhân quyền quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế.