Học viện Tư pháp tổ chức Hội thảo trực tuyến với Quỹ IRZ

31/12/2020
Học viện Tư pháp tổ chức Hội thảo trực tuyến với Quỹ IRZ
Ngày 29/12, Học viện Tư pháp phối hợp với Quỹ Hợp tác quốc tế về pháp luật Đức tổ chức Hội thảo trực tuyến “Kinh nghiệm phỏng vấn người bị hại chưa thành niên và đánh giá tính xác thực của chứng cứ do người bị hại chưa thành niên cung cấp”.
Tham dự hội thảo, về phía Đức có bà Anne Katharina Zimmerman - Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế về Pháp luật, Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng CHLB Đức; bà Angela Schmeink - Trưởng Văn phòng khu vực Châu á, Quỹ Hợp tác quốc tế về pháp luật Đức (IRZ) tại Berlin; bà Angela Lummel - Giám đốc Dự án IRZ cùng các chuyên gia là chánh án, cảnh sát của Đức. Về phía Học viện Tư pháp có TS. Trương Thế Côn – Phó giám đốc Học viện Tư pháp cùng các giảng viên và học viên của Học viện.
Hoạt động phỏng vấn người chưa thành niên được thực hiện một cách hiệu quả sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác minh sự thật khách quan của vụ án, giúp người tiến hành tố tụng đưa ra các phán quyết chính xác, minh bạch. Trong thập kỷ vừa qua, nhiều cơ quan, tổ chức, quốc gia trên thế giới đã tiến hành nghiên cứu về người chưa thành niên và hoạt động phỏng vấn người chưa thành niên, theo đó, kết quả nghiên cứu phản ánh nhiều trường hợp người chưa thành niên cung cấp thông tin sai lệch cho cảnh sát, cán bộ pháp lý, luật sư và các cán bộ tư pháp khác.
 

 
Tại Việt Nam, theo quy định của pháp luật, người dưới 18 tuổi có thể tham gia tố tụng với tư cách người bị buộc tội, người làm chứng, người bị hại... Trên thực tế, người bị buộc tội, người bị hại và người làm chứng là người chưa thành niên đều có những đặc điểm tâm lý tư pháp riêng và những điểm cần lưu ý về các yếu tố nhạy cảm khi làm việc với họ. Thông tin do người bị hại là người chưa thành niên cung cấp được coi là chứng cứ nên chứng cứ này phải được đưa ra càng chính xác càng tốt (không bị chỉnh sửa). Trên thế giới, rất nhiều nghiên cứu đã được tiến hành về việc đánh giá bằng chứng của người chưa thành niên để xác định tính trung thực hay không trung thực trong lời kể của họ. Thông tin này cực kỳ hữu ích trong việc đánh giá chứng cứ do người chưa thành niên cung cấp và được sử dụng tại nhiều tòa án. Do vậy, quá trình tham gia tố tụng các vụ án về người chưa thành niên đòi hỏi kỹ năng của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư phải có tính đặc thù, vừa tuân thủ các quy định của pháp luật và vừa phù hợp với những đặc điểm riêng biệt của lứa tuổi này. Việc thực hiện thuần thục kỹ năng này sẽ giúp thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư có được thông tin cần thiết, có ý nghĩa quan trọng. Chính vì vậy, việc nâng cao hiệu quả hoạt động phỏng vấn người chưa thành niên nói chung, đặc biệt là hoạt động phỏng vấn người bị hại là người chưa thành niên nói riêng là cần thiết. Để làm được điều đó, thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và các cán bộ tư pháp có liên quan cần phải nâng cao hiểu biết, kiến thức về các giai đoạn phát triển của người chưa thành niên, đặc điểm tâm lý tư pháp; các chuẩn mực, tiêu chuẩn và nguyên tắc quốc tế áp dụng khi cung cấp hỗ trợ pháp lý cho người chưa thành niên là nạn nhân của hoạt động tội phạm; cũng như học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng quốc tế liên quan đến việc tiến hành phỏng vấn người bị hại là người chưa thành niên.
 

 
Hội thảo là cơ hội để các giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng là các chuyên gia pháp luật, thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, và các học viên học hỏi, nâng cao kiến thức, hiểu biết về pháp luật và kinh nghiệm của Đức liên quan đến việc tiến hành phỏng vấn người bị hại là người chưa thành niên và đánh giá chứng cứ do người bị hại là người chưa thành niên cung cấp…Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến là một hình thức hợp tác mới, thích ứng với bối cảnh thế giới hiện nay, là tiền đề để Học viện Tư pháp tiếp tục tăng cường các mối quan hệ hợp tác thiết thực, hiệu quả với các đối tác nói chung và với Quỹ IRZ nói riêng.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm và thông tin hữu ích về hoạt động phỏng vấn người bị hại chưa thành niên và đánh giá tính xác thực của chứng cứ do người bị hại chưa thành niên cung cấp. Trên cơ sở đó các giảng viên sẽ triển khai các bài giảng tốt hơn, các học viên sẽ tiếp thu bài học tốt hơn. Tài liệu Hội thảo sẽ được biên soạn thành học liệu tham khảo để sử dụng trong các chương trình đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp.
Thanh Hương