Chiều 27/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 – 2022. Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật (QLXLVPHC&TDTHPL) Đặng Thanh Sơn chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội Nghị, Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL Đặng Thanh Sơn khẳng định công tác tổ chức thi hành pháp luật có ý nghĩa quan trọng với mọi quốc gia, nhất là với các quốc gia đang xây dựng mô hình nhà nước theo hướng nhà nước pháp quyền. Trong đó, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật đã và đang khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng để hiện thực hoá kết quả hoạt động lập pháp, tạo điều kiện tiền đề trực tiếp đưa Hiến pháp và pháp luật đi vào cuộc sống, đời sống Nhà nước và xã hội. Ông Sơn cũng nhấn mạnh việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật không phải là vấn đề của riêng bộ, ngành, địa phương nào, do đó, cần tiếp tục triển khai thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Phạm Ngọc Thắng, Trưởng phòng Phòng TDTHPL cho biết, theo Quyết định số 242/QĐ-TTg ban hành Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 – 2022 (Quyết định 242), trong giai đoạn 2018 – 2020, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương đã xác định 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Bộ Tư pháp đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành ở Trung ương và chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Quyết định 242; chỉ đạo Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật.
Đối với các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, Bộ Tư pháp đề nghị chủ động tổ chức thực hiện nghiêm túc, chất lượng và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Quyết định 242; ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc tổ chức thi hành và TDTHPL; tiếp tục thực hiện rà soát, đơn giản hoá và công khai quy trình, thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị; kịp thời, chủ động tiếp nhận, xử lý thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nói chung, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng…
Tại Hội nghị, ông Vũ Duy Kiến, Chuyên viên chính Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ đề xuất để nâng cao chất lượng công tác pháp chế nói chung và công tác tổ chức thi hành pháp luật nói riêng thì một trong những giải pháp quan trọng là cần phải nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ làm công tác này thông qua đào tạo, bồi dưỡng để tăng cường năng lực cho cán bộ, công chức tại các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là về kỹ năng, năng lực tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Bà Lương thị Phương Thuý, Phó Trưởng phòng Phòng QLXLVPHC&TDTHPL, Sở Tư pháp Bắc Giang cho biết để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện công tác tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh và thường xuyên đổi mới hình thức, nội dung, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân…
Thanh Trà