Chiều 22/12, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật tổ chức chương trình Tọa đàm “Tìm hiểu pháp luật về các quyền dân sự, chính trị đối với đồng bào dân tộc thiểu số”. Hai vị chuyên gia tham dự Tọa đàm là Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Linh Kha và Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ủy ban Dân tộc) Phan Hồng Thủy,
Tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ Kế hoạch thực hiện Đề án "Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị (Công ước ICCPR) cho cán bộ, công chức và nhân dân giai đoạn 2015-2020" năm 2020 (theo Quyết định số 364/QĐ-BTP ngày 28/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).
-Thưa bà Nguyễn Linh Kha, quyền con người luôn là vấn đề được dư luận quốc tế quan tâm rộng rãi. Có thể khẳng định Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (Công ước ICCPR) là một trong ba văn kiện quốc tế quan trọng số 1 về nhân quyền, là xương sống của luật quốc tế về quyền con người. Bà có thể cho biết, Việt Nam tham gia Công ước ICCPR vào năm nào? và với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước, Việt Nam phải thực hiện những nghĩa vụ gì?
Bà Nguyễn Linh Kha: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (sau đây gọi là Công ước ICCPR) là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào năm 1966 và có hiệu lực vào năm 1976. Với phạm vi điều chỉnh rộng, bao trùm tất cả các quyền dân sự và chính trị của mỗi cá nhân, Công ước ICCPR ra đời đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế. Tầm quan trọng và ý nghĩa của Công ước ICCPR được khẳng định mạnh mẽ bởi sự tham gia đông đảo của các quốc gia - hiện tại có hơn 170 quốc gia là thành viên của Công ước này, và nội dung của Công ước luôn được đề cập tới khi thảo luận về các vấn đề quyền con người.
Bà Nguyễn Linh Kha, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp)
Nhận thức được tầm quan trọng của Công ước ICCPR, Việt Nam đã gia nhập Công ước từ khá sớm (ngày 24/9/1982). Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước ICCPR được hơn 35 năm.
Điều 2 Công ước ICCPR quy định về nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước (gồm 3 khoản). Theo đó, với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước, Việt Nam có các nghĩa vụ:
- Tôn trọng và bảo đảm các quyền con người trong Công ước;
- Thông qua biện pháp lập pháp và các biện pháp khác để thực hiện các quyền ghi nhận trong Công ước;
- Có biện pháp khắc phục hiệu quả khi các quyền được Công ước quy định bị vi phạm; và bảo đảm việc thực thi những biện pháp khắc phục đã được đề ra.
- Đảm bảo rằng khiếu nại về việc vi phạm quyền dân sự, chính trị phải được giải quyết bởi cơ quan có thẩm quyền.
- Xây dựng và bảo vệ Báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện Công ước theo thời gian do Ủy ban Nhân quyền ấn định (Điều 40 Công ước ICCPR). Việc xây dựng Báo cáo quốc gia là nhằm cung cấp thông tin một cách đầy đủ và toàn diện về tình hình thực thi Công ước ICCPR và đánh giá việc thực hiện các nghĩa vụ nêu ở trên, những thuận lợi, khó khăn mà mỗi quốc gia gặp phải trong quá trình thực thi Công ước tại quốc gia mình.
Hai khách mời tham gia chương trình
Để hiểu rõ thêm về các nghĩa vụ đã nêu thì cần lưu ý một số điểm sau:
Thứ nhất, nghĩa vụ theo Công ước nói chung và theo Điều 2 nói riêng là có tính ràng buộc đối với mọi Quốc gia thành viên. Tất cả các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp, các cơ quan thuộc chính phủ và cơ quan thực thi quyền lực công khác, ở bất cứ cấp nào (trung ương, khu vực và địa phương) đều có trách nhiệm thực thi nghĩa vụ của Quốc gia thành viên.
Thứ hai, tôn trọng các quyền của Công ước và đảm bảo rằng các quyền được thừa nhận trong Công ước theo quy định tại khoản 1 Điều 2 áp dụng cho tất cả các cá nhân ở trên lãnh thổ và nằm trong thẩm quyền tài phán của quốc gia, bất kể quốc tịch hoặc tình trạng cư trú của cá nhân đó (có thể là công dân của quốc gia, người nước ngoài, người không quốc tịch..).
Thứ ba, khoản 2 Điều 2 yêu cầu các Quốc gia thành viên thực thi tất cả những biện pháp cần thiết để bảo đảm thực thi có hiệu quả các quyền trong Công ước trong thực tế ở nước mình. Theo quy định này, ngoại trừ các quyền theo Công ước đã được bảo vệ bằng pháp luật hoặc thực tiễn quốc gia, đối với các quyền theo Công ước mà chưa được bảo vệ bằng pháp luật tại quốc gia thì các Quốc gia thành viên phải xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ này. Khi có sự không tương thích giữa pháp luật quốc gia và Công ước, Điều 2 yêu cầu Quốc gia thành viên phải sửa đổi pháp luật nhằm đáp ứng các chuẩn mực được nêu ra trong Công ước; cho phép mỗi Quốc gia thành viên thực hiện việc này phù hợp với trình tự lập pháp của nước mình.
-Mặc dù chiếm số lượng ít, nhưng người dân tộc thiểu số là đối tượng cần được quan tâm. Xin bà cho biết quyền của người thiểu số được Công ước ICCPR quy định như thế nào?
Bà Nguyễn Linh Kha: Quyền của người dân tộc thiểu số là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi nhận và bảo vệ bởi pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Trong các văn kiện về quyền con người của Liên hợp quốc, khái niệm này thường được sử dụng để chỉ một nhóm người ít về số lượng và mang những đặc trưng về dân tộc, chủng tộc, ngôn ngữ và tôn giáo, khác biệt so với bộ phận dân cư còn lại của quốc gia. Họ thường được coi là nhóm yếu thế trong xã hội.
Điều 2 của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 (UDHR) quy định: “Mọi người sinh ra đều được hưởng tất cả các quyền và tự do không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội”. Trên tinh thần đó, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị quy định người dân tộc thiểu số có đầy đủ các quyền dân sự, chính trị, bình đẳng với tất cả mọi người (Điều 2, 3 và 26 ICCPR), những quyền đó bao gồm quyền sống, quyền không bị tra tấn, quyền tự do an ninh cá nhân, quyền bình đẳng trước tòa án, quyền tự do đi lại, cư trú, quyền riêng tư, quyền tự do biểu đạt, quyền tự do lập hội, quyền tín ngưỡng, tôn giáo….
Đồng thời, Công ước ICCPR dành riêng Điều 27 để nhấn mạnh đến quyền không thể bị tước bỏ quyền được thụ hưởng nền văn hóa riêng, quyền được thể hiện và thực hành tôn giáo riêng hoặc quyền được sử dụng tiếng nói riêng của người dân tộc thiểu số. Cụ thể, Điều 27 Công ước ICCPR quy định:
“Tại những nước có nhiều nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo và ngôn ngữ cùng chung sống, thì những cá nhân thuộc các dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ và các thiểu số đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình, không thể bị tước bỏ quyền được thụ hưởng nền văn hóa riêng, quyền được thể hiện và thực hành tôn giáo riêng hoặc quyền được sử dụng tiếng nói riêng của họ”.
Ngoài ra, quyền của người dân tộc thiểu số được đề cập một cách trực tiếp hoặc gián tiếp trong nhiều điều ước quốc tế khác như Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD), Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW)…
Ủy ban Nhân quyền có ban hành Bình luận chung số 23, trong đó tiếp tục đã làm rõ nghĩa vụ của các quốc gia phải đảm bảo chống lại sự vi phạm quyền này và việc cần có các biện pháp chủ động để ngăn chặn những vi phạm các quyền ở Điều 27 cũng như cần có các biện pháp chủ động để bảo vệ bản sắc của người thiểu số. Việc hưởng các quyền đó có thể đòi hỏi các biện pháp về mặt pháp luật để các thành viên của các cộng đồng thiểu số tham gia hiệu quả trong các quyết định tác động đến họ.
-Việt Nam đã thể chế hóa quy định về quyền của người dân tộc thiểu số theo quy định của Công ước ICCPR vào pháp luật như thế nào?
Bà Nguyễn Linh Kha: Các điều ước quốc tế về quyền con người là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng, góp phần xác lập các tiêu chuẩn chung, tối thiểu về quyền con người. Trên cơ sở nguyên tắc Pacta sunt servanda, quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ và thực hiện những tiêu chuẩn được ghi nhận trong điều ước quốc tế mà họ là thành viên.
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013 (Điều 12), Việt Nam khẳng định cam kết tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời Luật Điều ước quốc tế năm 2016 đã quy định rõ trách nhiệm nội luật hóa, cụ thể là “…khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, đủ chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó” (Điều 6).
Có thể thấy rằng, Việt Nam đã có nhiều quy định pháp luật đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số. Đối với quy định chung, trong Hiến pháp 2013, quyền trên được ghi nhận tại các điều: 5, 16, 42, 58, 61,70… Cụ thể:
- Điều 5 khẳng định: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.
- Điều 16: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”.
- Điều 42 ghi nhận: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”.
- Điều 58: Nhà nước, xã hội đầu tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Điều 61: Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề.
- Điều 70: Quốc hội quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước.
Trong các lĩnh vực cụ thể, quyền của người dân tộc thiểu số đồng thời được nghi nhận trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, theo thông tin Ủy ban Dân tộc cho biết qua rà soát sơ bộ thì có tới 78 đạo luật có quy định với hàng trăm điều khoản có quy định đảm bảo quyền của đồng bào dân tộc thiểu số về mọi mặt. Chẳng hạn như Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 7, 26, 29), Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Điều 2, 4, 7); Luật Đất đai năm 2013 (Điều 27, 110); Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (Điều 9, 26, 29, 331…); Luật Giáo dục năm 2019… và còn rất nhiều quy định khác mà tôi chắc rằng ông Thủy – PVT Vụ Pháp chế Ủy ban Dân tộc hôm nay có thể liệt kê hàng giờ không hết.
-Thưa ông Phan Hồng Thuỷ, với vai trò là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước, ông Phan Hồng Thủy có thể thông tin cho khán giả biết Ủy ban dân tộc đã triển khai những hoạt động gì để đảm bảo quyền cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các quyền về dân sự, chính trị?
Ông Phan Hồng Thủy: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Miền nam ngày 9/9/1946 Bác viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Lai hay Ê Đê, Xơ Đăng hay Bana và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau…”. Thể hiện tinh thần đó, trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ chiến lược lâu dài của cách mạng Việt Nam. Chúng ta đã có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số. Đây là quyền Hiến định, Hiến pháp năm 2013 của nước cộng hòa XHCNVN đã dành 5 điều khoản, được thể chế hóa trong 78 đạo luật với 206 điều khoản, cùng hàng trăm văn bản dưới Luật quy định đảm bảo quyền của đồng bào dân tộc thiểu số về mọi mặt.
Ồng Phan Hồng Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ủy ban Dân tộc)
Cùng với pháp luật, Nhà nước ban hành nhiều chính sách, dành nhiều ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các chính sách dân tộc hiện nay khá đầy đủ, toàn diện, đa lĩnh vực và phủ kín các địa bàn. Hiện nay, có 118 chương trình, chính sách đang có hiệu lực triển khai ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 54 chính sách trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và 64 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Thời gian qua, với vai trò là cơ quan có chức năng quản lý công tác dân tộc, UBDT đã triển khai rất nhiều các hoạt động như: Tích cực tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc và 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW về một số công tác ở vùng dân tộc Mông; trên cơ sở đó tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới. UBDT tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Ngày 15/02/2020, Ủy ban dân tộc đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14. Ngày 19 tháng 6 năm 2020, UBDT đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 với tổng kinh phí giai đoạn 1: 2021-2025 trên 137.664 tỷ đồng Đây là những văn bản quan trọng mang tính đột phá, xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác dân tộc trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, UBDT cũng đã chỉ đạo các địa phương vùng DTTS và miền núi tổ chức thành công Đại hội đại biểu các DTTS cấp tỉnh, cấp huyện lần thứ III năm 2019; Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ II tại thủ đô Hà Nội đã thành công rất tốt đẹp.
Tăng cường quản lý, chỉ đạo thực hiện các chính sách dân tộc, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 03/2019/QĐ-TTg ngày 15/01/2019 ban hành tiêu chí xác định xã, thôn hoàn thành mục tiêu Dự án 2 (Chương trình 135) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020 ban hành Tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025.
Tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo toàn quốc hoặc từng vùng về tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, định hướng xây dựng các chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2030; Tổ chức thành công Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS tiêu biểu xuất sắc năm 2019. Đồng thời, UBDT còn thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan đến công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí, công tác cải cách hành chính, công tác hợp tác quốc tế về công tác dân tộc...
-Vừa qua Quốc hội thông qua Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, ông có thể chia sẻ về mục tiêu và ý nghĩa của Đề án này?
Ông Phan Hồng Thủy: Ngày 18/11/2019, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14, phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, theo đó, mục tiêu của Đề án là:
Một là: Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội;
Hai là: giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước;
Ba là: giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa;cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân;
Bốn là: nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em;
Năm là: xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025:
- Phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020;
- Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%;
- 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh;
- Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào;
- Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học hên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%;
- Tăng cường công tác y tế để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế. Trên 80% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%;
- 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số;
- Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng;
- Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương.
Định hướng mục tiêu đến năm 2030:
- Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước;
- Giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới;
- Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hằng năm thu hút 3% lao động sang làm các ngành, nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Đến 2030 có 40% lao động người dân tộc thiểu số biết làm các ngành, nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ;
- Phấn đấu có 80% số hộ nông dân người dân tộc thiểu số làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa;
- Xóa tình trạng nhà ở tạm, dốt nát; ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái; duy trì, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng;
- Trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân;
- Giải quyết căn bản tình trạng di cư không theo kế hoạch trong đồng bào dân tộc thiểu số. Quy hoạch sắp xếp, di dời, bố trí 100% hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở;
- Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong Mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030.
-Một trong những nội dung quan trọng để bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số, người dân sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa là được trang bị, cập nhật kiến thức pháp luật. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1163 phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021”. Xin ông cho biết kết quả thực hiện Đề án này đến nay?
Ông Phan Hồng Thủy: Triển khai Đề án này, trong 04 năm từ 2017 đến 2020, UBDT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, 51 địa phương vùng DTTS và miền núi, tích cực chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động PBGDPL và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện chính sách dân tộc, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Theo thống kê chưa đầy đủ, các địa phương đã tổ chức hàng ngàn hội nghị, hội thảo, tọa đàm, Hội thi tìm hiểu pháp luật, in ấn hàng vạn bản tờ rơi, tờ gấp, sổ tay hỏi đáp pháp luật…các chuyên trang, chuyên mục bằng tiếng DTTS phát trên sóng phát thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử.
Ở Trung ương: Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức 10 hội thảo, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng tuyên truyền, PBGDPL tại các địa phương. Tổ chức 14 hội nghị điểm tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động, PBGDPL cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp tỉnh tại các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải Miền Trung... Xây dựng 03 mô hình điểm tại các xã, thôn, bản về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL và chính sách dân tộc (mỗi mô hình điểm có 50-70 thành viên tham gia). Biên soạn và cấp 05 sổ tay, 04 tờ gấp, cung cấp 8.500 đầu sách cho các tuyên truyền viên, báo cáo viên; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục đặc thù bằng ngôn ngữ DTTS…
Theo đánh giá, việc thực hiện Quyết định 1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào vùng DTTS và miền núi; phản ánh kịp thời các tấm gương người tốt, việc tốt, các mô hình làm kinh tế giỏi, giúp các hộ vươn lên thoát nghèo… Nhiều địa phương đã đề ra chỉ tiêu về giảm nghèo vùng DTTS và miền núi, xây dựng nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) hằng năm, xây dựng giải pháp cụ thể và bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện các đề án, chính sách. Nhờ thực hiện tốt công tác PBGDPL, KT-XH vùng DTTS có nét khởi sắc, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các DTTS được quan tâm. Vùng đồng bào DTTS không phát sinh “điểm nóng”, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Đề án đã thực sự đi vào cuộc sống, đạt được một số kết quả quan trọng, đã đến được với nhân dân ở các vùng miền. Phương pháp tổ chức thực hiện của tuyên truyền viên, báo cáo viên rất linh hoạt, có nhiều sáng tạo. Đồng bào nhận thức rõ hơn về chính sách pháp luật, làm chuyển biến tích cực bộ mặt nông thôn.
-Vậy những khó khăn, vướng mắc thường gặp khi Chính phủ triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với người dân tộc thiểu số và người dân sống ở miền núi là gì, thưa ông?
Ông Phan Hồng Thủy: Thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với người dân tộc thiểu số và người dân sống ở miền núi thường có những khó khăn, vướng mắc sau:
Một là, chưa huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia PBGDPL cho đồng bào vùng DTTS và miền núi nên công tác này ở một số địa phương chưa được chú trọng đúng mức, thường xuyên, liên tục, chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, hiệu quả chưa cao.
Hai là, đồng bào DTTS chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí và nhận thức pháp luật chưa đồng đều, lại có sự bất đồng về ngôn ngữ, không có điều kiện tiếp cận với thông tin pháp luật nên ảnh hưởng đến chất lượng công tác PBGDPL; ở một số địa phương còn tình trạng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng; còn tồn tại một số tập quán truyền thống của đồng bào DTTS không còn phù hợp với quy định của pháp luật không dễ bị xóa bỏ.
Ba là, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL tại vùng DTTS và miền núi chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, thiếu đội ngũ báo cáo viên biết ngôn ngữ DTTS, có kỹ năng, nghiệp vụ, hiểu biết văn hóa, tập quán sinh hoạt của đồng bào DTTS.
Bốn là, chưa nhân rộng được hình thức có hiệu ứng lan tỏa mạnh để phát huy vai trò chủ động tìm hiểu pháp luật của nhân dân.
-Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1252/QĐ-TTg ngày 26/9/2019 phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và các khuyến nhghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc. Để bảo đảm hơn nữa quyền của người dân tộc thiểu số, trong thời gian tới Việt Nam cần thực hiện những nhiệm vụ gì theo yêu cầu của Quyết định số 1252/QĐ-TTg, thưa bà Linh Kha?
Bà Nguyễn Linh Kha: Ngày 26/9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1252/QĐ-TTg về phê duyệt kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và các khuyến nghị của Uỷ ban nhân quyền Liên hợp quốc (Quyết định 1252). Quyết định 1252 xác định nội dung công việc và lộ trình thực hiện phù hợp trong việc tăng cường hiệu quả triển khai các quy định của Công ước ICCPR và khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc. Từ đó, góp phần nâng cao sự hưởng thụ của người dân về các quyền dân sự và chính trị phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam; bảo đảm các yêu cầu đối ngoại, đối nội, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Quyết định 1252 cũng yêu cầu việc tổ chức, thực hiện Kế hoạch phải bám sát và phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quyền con người.
Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cũng được xác định rõ trong Quyết định 1252, gồm 03 nhóm nhiệm vụ chính:
Thứ nhất, tiếp tục nội luật hóa và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nhằm thực hiện Công ước ICCPR. Liên quan đến người dân tộc thiểu số, Quyết định 1252 giao nhiệm vụ rà soát và đề xuất hoàn thiện pháp luật về quyền của người dân tộc thiểu số, nghiên cứu khả năng ban hành một đạo luật riêng về người dân tộc thiểu số. Theo báo cáo kết quả thực hiện năm 2020, Ủy ban Dân tộc đã rà soát sơ bộ có 78 luật với hàng trăm điều khoản quy định liên quan đến lĩnh vực đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về quyền dân sự và chính trị. Ban hành và thực hiện các kế hoạch, chương trình hành động quốc gia để xóa bỏ định kiến, phân biệt đối xử đối với người dân tộc thiểu số. Nâng cao hiệu quả tiếp nhận khiếu nại, tố cáo theo hướng thuận tiện, an toàn và tăng tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến các vi phạm quyền dân sự và chính trị của các cá nhân để đảm bảo tốt hơn quyền khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục nâng cao hiệu quả thi hành các quyền dân sự và chính trị trong hoạt động tố tụng hình sự. Tăng cường hoạt động hỗ trợ bảo vệ các quyền dân sự và chính trị. Nâng cao chất lượng hoạt động bồi thường, hỗ trợ cho nạn nhân của hành vi xâm phạm quyền dân sự và chính trị. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, thống kê tình hình thi hành các quyền dân sự và chính trị.
Thứ ba, tiếp tục thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và đào tạo. Việc tuyên truyền, phổ biến này không chỉ hướng tới đồng bào dân tộc thiểu số mà cần tuyên truyền cho cả đội ngũ cán bộ pháp chế tại các bộ, ngành ở trung ương; báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, người có thẩm quyền thực thi pháp luật (người tiến hành tố tụng; các cán bộ trực tiếp thực hiện hoạt động xử lý vi phạm hành chính, thi hành án…). Có thể khẳng định rằng, nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về pháp luật có liên quan tới các quyền dân sự, chính trị không chỉ được đề cập tại Quyết định số 1252 mà còn được đặt ra tại các kế hoạch, chương trình, đề án khác. Như ông Thủy – PVT Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc đã nêu có rất nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số mà chúng ta đã đạt được trong những năm qua. Quyết định 1252 tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác này và và hy vọng rằng trong thời gian tới công tác này sẽ tiếp tục được quan tâm, phát huy hiệu quả cao hơn nữa.
-Như thông tin của các vị khách mời vừa chia sẻ có thể thấy được những kết quả rất ấn tượng từ các chính sách dân tộc nói chung và việc đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số nói riêng của Đảng và Nhà nước. Trong việc thực hiện các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số yếu tố nào là trọng tâm nhất trong quá trình thực hiện để đem lại hiệu quả thưa ông Phan Hồng Thủy?
Ông Phan Hồng Thủy: Có thể nói công tác dân tộc và thực hiện các chính sách về dân tộc có vai trò đặc biệt quan trọng, gắn liền với chính sách phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Do đó, theo tôi có 2 yếu tố: Thứ nhất phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đề cao vai trò của các cấp chính quyền, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chính sách cho đồng bào DTTS; vấn đề thứ hai là làm sao khơi dậy ý chí, nội lực của người dân mong muốn thoát nghèo ở đây là thoát nghèo cả về kinh tế và văn hóa, tinh thần. Hai nội dung này tôi cho rằng là hai yếu tố quyết định mang lại hiệu quả trong công tác dân tộc cũng như đảm bảo thực thi các quyền của người dân tộc thiểu số trong thời gian tới.
Nguồn: baophapluat.vn