Sáng ngày 22/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Thắng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL khẳng định về sự cần thiết phải xây dựng Bộ pháp điển cũng như thông tin khái quát về tình hình xây dựng Bộ pháp điển hiện nay. Đồng chí Nguyễn Duy Thắng cho biết, hệ thống pháp luật hiện nay có khoảng gần 9 nghìn văn bản QPPL do các cơ quan ở Trung ương ban hành và gần 53 nghìn văn bản QPPL do các cơ quan ở địa phương ban hành. Tuy nhiên, thực tế áp dụng pháp luật cho thấy vẫn còn tình trạng các quy định tản mát, phân tán trong nhiều văn bản. Người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các quy định…
Trước tình hình đó, ngày 16/4/2012, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL, tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho công tác xây dựng Bộ pháp điển. Theo đó, Bộ pháp điển có 271 đề mục thuộc 45 chủ đề. Cho đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành pháp điển 191/271 đề mục, trong đó có 150 đề mục đã được Chính phủ thông qua, Bộ Tư pháp đang tổng hợp hồ sơ trình Chính phủ thông qua 04 chủ đề và 27 đề mục khác; 11 đề mục đang được các bộ, ngành tiếp tục thực hiện và dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Còn lại 69 đề mục dự kiến thực hiện và hoàn thành vào năm 2021 và 2022.
Tại Hội nghị, đồng chí Phùng Thị Hương, Chuyên viên Phòng Pháp điển đã hướng dẫn cách thức khai thác và sử dụng Bộ pháp điển về các nội dung, như: các hình thức pháp điển hệ thống QPPL trên thế giới; cách thức pháp điển hệ thống QPPL ở Việt Nam; nguyên tắc thực hiện pháp điển; cấu trúc của Bộ pháp điển; giá trị sử dụng Bộ pháp điển… Qua đó, đồng chí Phùng Thị Hương cũng chỉ ra một số ý nghĩa cơ bản của Bộ pháp điển nhằm giúp cá nhân, tổ chức thuận lợi trong việc tìm kiếm, tra cứu và tìm hiểu các quy định của pháp luật; bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật.
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã trao đổi, thảo luận về cách khai thác và sử dụng Bộ pháp điển. Các đại biểu bày tỏ nhất trí cao về sự cần thiết xây dựng Bộ pháp điển; đồng thời, ghi nhận vai trò của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh pháp điển một cách hiệu quả, chất lượng, vượt tiến độ đề ra giúp Bộ pháp điển sớm đi vào cuộc sống; góp phần hỗ trợ giải quyết hiệu quả các vụ việc của người dân, doanh nghiệp.
N.D