Ngày 18/9, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị Đối thoại lấy ý kiến Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình). Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Phó trưởng Ban quản lý Chương trình 585 chủ trì Hội nghị.
Theo dự thảo, mục tiêu của Chương trình nhằm phát huy kết quả của giai đoạn 2015 – 2020; Triển khai đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Định hướng cho các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các Bộ, ngành, địa phương; Nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy phản ứng chính sách, pháp luật kịp thời nhằm phục vụ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Cụ thể, Chương trình cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng một cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý; Cung cấp 100% các chính sách, đề án, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các Bộ, ngành, địa phương; Tiếp nhận 100% phản ánh từ doanh nghiệp để đề xuất, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả, giải quyết vướng mắc pháp lý liên quan; Tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật trực tiếp, gián tiếp qua các diễn đàn nhằm đảm bảo 100% đề nghị tư vấn của doanh nghiệp thông qua Chương trình được giải quyết hoặc kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết…
|
|
Nhằm góp ý dự thảo Quyết định, ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã trình bày thực tiễn triển khai, tổ chức các hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và một số những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện hoạt động này. Từ đó, ông Phan Trọng Đạt có đưa ra một số đề xuất, kiến nghị về sự phối hợp giữa Ban quản lý Chương trình với các cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương hay những cơ quan quản lý trực tiếp doanh nghiệp; phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp địa phương hoặc hiệp hội ngành nghề; đồng thời, thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội nghị lớn để thu hút được đông đảo doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề pháp lý. Ông Phan Trọng Đạt cũng nhấn mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa có lẽ ít quan tâm đến vấn đề mang tính học thuật (như điểm mới của pháp luật doanh nghiệp, đầu tư, chứng khoán..) mà chủ tập trung tới pháp luật về thuế, lao động, tiền lương, phòng ngừa rủi ro kinh doanh.
Phát biểu tại Hội nghị, Luật sư Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp cũng thông tin thêm về những khó khăn, vướng mắc khi tổ chức, thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp; đồng thời, cũng chỉ ra đề xuất, kiến nghị về cách thức tổ chức thực hiện Chương trình như: Phát huy và tiếp tục thực hiện các hoạt động có hiệu quả trong thời gian qua; Lựa chọn chủ đề của hoạt động nên tập trung vào nhu cầu thực tế của địa phương, doanh nghiệp; đa dạng về cách thức triển khai thực hiện hoạt động; Đề cao vai trò, vị trí tổ chức pháp chế, cán bộ làm công tác pháp chế ở các Bộ, nành, địa phương, doanh nghiệp.
|
|
Ngoài các ý kiến được nêu trong Hội nghị, dưới góc độ địa phương, bà Hoàng Thị Nguyệt Thu, Trưởng phòng QLXLVPHC & TDTHPL, Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc cũng góp ý vào dự thảo Quyết định qua một số đề xuất, kiến nghị như: Tiêu chuẩn hóa cụ thể đối với cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và có cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút những người có kinh nghiệm, trình độ; Cần có cơ chế phối hợp giữa các tổ chức pháp chế Trung ương cũng như sở, ngành địa phương trong quá trình thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để các sở, ngành chưa chủ động nắm bắt và hỗ trợ đúng các nhu cầu của doanh nghiêp...
Sau khi nghe ý kiến các đại biểu, ông Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh, trong dự thảo Quyết định cần chú ý làm rõ hơn một số nội dung: Tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng người làm công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, trao đổi những mô hình hay trong công tác này; Xây dựng nội dung, chương trình cụ thể, thể hiện
“đúng” và
“trúng” nhu cầu của doanh nghiệp; Đẩy mạnh công tác truyền thông; Phối kết hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
N.Dung