Để góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo góp ý “Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán” vào ngày 11/9/2020 tại ASEAN Resort, Thạch Thất, Hà Nội. Mục đích của Hội thảo là lắng nghe tiếng nói, kiến nghị của các thành viên tham gia thị trường chứng khoán, các chuyên gia kinh tế, pháp lý để cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài chính) hoàn thiện dự thảo Nghị định lần cuối trước khi gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định. Đồng thời, Hội thảo là cơ hội để Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp có thêm đầy đủ thông tin nhằm chuẩn bị tốt nhất cho việc thẩm định một dự thảo Nghị định rất đồ sộ với nhiều vấn đề kinh tế, kỹ thuật mới, rất chuyên sâu, với tổng cộng 9 chương, 275 điều, quy định chi tiết 24 điều, khoản, điểm của Luật Chứng khoán năm 2019.
Hội thảo đã diễn ra sôi nổi, có chất lượng cao, dưới sự đồng chủ trì của ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính và ông Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp. Hội thảo còn có sự tham gia của: ông Vũ Bằng – thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính; bà Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, ông Trần Anh Đức – Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp và đại diện các bộ, ngành cùng đông đảo các doanh nghiệp là thành viên thị trường chứng khoán, công ty kiểm toán, công ty luật…
Trong thời gian một ngày, Hội thảo đã tập trung vào 04 nhóm vấn đề: (i) Chào bán, phát hành và chào mua công khai; (ii) Thị trường giao dịch; (iii) Tổ chức kinh doanh chứng khoán và quỹ đầu tư chứng khoán; và (iv) Một số vấn đề khác có liên quan đến dự thảo Nghị định. Trong từng nhóm vấn đề, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận sâu, đa chiều về tính hợp pháp, tính thống nhất và tính khả thi của các quy định liên quan trong dự thảo Nghị định. Một số vấn đề cụ thể còn có nhiều ý kiến khác nhau dưới góc độ kinh tế cũng như góc độ pháp lý, như: tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam và quyền của doanh nghiệp trong việc hạn chế tỷ lệ này; việc thành lập công ty con của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam nhằm triển khai cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP)…, đã được trao đi đổi lại nhằm tiếp tục hoàn thiện.
|
|
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Trần Văn Dũng và ông Nguyễn Thanh Tú đánh giá cao sự chuẩn bị của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với nội dung dự thảo Nghị định; đồng thời đánh giá cao sự chủ động, tích cực tham gia từ đầu và phối hợp chặt chẽ của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế để chuẩn bị tốt cho công tác thẩm định dự thảo Nghị định trong thời gian tới. Hai bên nhất trí trong khoảng thời gian gấp rút tới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định trên cơ sở kết quả Hội thảo, trình Bộ Tài chính để gửi Bộ Tư pháp thẩm định; sau khi nhận hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế sẽ báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp, phối hợp với Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan, các thành viên thị trường chứng khoán để tổ chức thẩm định và xây dựng báo cáo thẩm định có chất lượng.
Các đại biểu tham dự đều mong muốn tiếp tục có những hội thảo, tọa đàm tương tự để tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, trước mắt là chùm 04 Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán năm 2019; qua đó góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của cơ quan thẩm định văn bản quy phạm pháp luật trong cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán.