Tăng cường kỹ năng, nghiệp vụ trong việc khai thác, sử dụng kết quả pháp điển một số đề mục

11/09/2020
Tăng cường kỹ năng, nghiệp vụ trong việc khai thác, sử dụng kết quả pháp điển một số đề mục
Được sự hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020, ngày 11/9/2020, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công Tọa đàm tăng cường kỹ năng, nghiệp vụ cho các cơ quan, tổ chức, người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng kết quả pháp điển các đề mục: Thuế thu nhập doanh nghiệp; Thuế giá trị gia tăng; Thuế tiêu thụ đặc biệt. Buổi Tọa đàm do đồng chí Nguyễn Duy Thắng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL chủ trì cùng với sự tham gia của các đại biểu là đại diện các sở, ban, ngành; viện kiểm sát, tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự và đại diện một số doanh nghiệp, văn phòng luật, chuyên gia trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Đ/c Nguyễn Duy Thắng đã nêu rõ thực trạng hệ thống văn bản QPPL hiện nay khá cồng kềnh (với khoảng 8.800 văn bản ở cấp Trung ương), mỗi lĩnh vực lại được quy định tản mạn trong rất nhiều văn bản khiến cho việc tiếp cận quy định pháp luật của cá nhân, tổ chức gặp nhiều khó khăn. Trong rất nhiều nỗ lực nhằm khắc phụ tình trạng nêu trên, Chính phủ đã trình UBTVQH thông qua Pháp lệnh Pháp điển nhằm xây dựng Bộ pháp điển - là nơi rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản QPPL do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, trừ Hiến pháp. Bộ pháp điển được cấu thành từ 45 Chủ đề và 271 Đề mục - mỗi đề mục chứa đựng QPPL điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định. Cho đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành pháp điển 171/271 đề mục, 150 đề mục đã được Chính phủ thông qua, 31 đề mục đang được các bộ, ngành thực hiện và dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Còn lại 69 đề mục dự kiến thực hiện và hoàn thành vào năm 2021 và 2022. Như vậy, với tiến độ pháp điển các đề mục như hiện nay, việc xây dựng và hoàn thành Bộ pháp điển có thể “về đích sớm” (phấn đấu hoàn thành vào năm 2022). Các đề mục đã được Chính phủ thông qua được đăng trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (phapdien.moj.gov.vn). Trong đó các đề mục: Thuế thu nhập doanh nghiệp; Thuế giá trị gia tăng; Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng đã được thẩm định thông qua. Đây được xem là các đề mục quan trọng, liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Mục đích của pháp điển là giúp pháp luật đi vào cuộc sống một cách thuận lợi hơn. Do vậy, việc tuyên truyền, phổ biến kết quả pháp điển các đề mục: Thuế thu nhập doanh nghiệp; Thuế giá trị gia tăng; Thuế tiêu thụ đặc biệt được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan, nhà nước có thẩm quyền.Bên cạnh đó, qua việc pháp điển 171/271 đề mục, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm “sạch” được hơn 05 nghìn văn bản trên tổng số khoảng gần 09 nghìn văn bản QPPL của Trung ương, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật cũng như giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật đang còn hiệu lực.  
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã được lắng nghe Đ/c Trần Thanh Loan - Phó Trưởng phòng phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL, Cục Kiểm tra văn bản QPPL giới thiệu tổng quan về Bộ pháp điển, cách thức khai thác và sử dụng Bộ pháp điển cũng như kết quả pháp điển các đề mục: Thuế thu nhập doanh nghiệp; Thuế giá trị gia tăng; Thuế tiêu thụ đặc biệt. Đồng chí đã tập trung giới thiệu cho các đại biểu tham dự tọa đàm về những nội dung cơ bản của các đề mục trên và một số vấn đề trong việc xác định phạm vi văn bản QPPL thực hiện pháp điển vào các đề mục.
Sau khi lắng nghe phần trình bày của các báo cáo viên tại Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã đánh giá Bộ pháp điển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực tiễn tra cứu, tìm kiếm QPPL của mọi cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận về tính hiệu lực, chính xác, kịp thời của các QPPL được đưa vào Bộ pháp điển; sự kiểm duyệt, cập nhật các văn bản như thế nào? để tạo niềm tin hơn cho người tra cứu, bởi Bộ pháp điển chỉ mới được đưa vào sử dụng và còn ít người biết đến.
Kết thúc buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã khẳng định lại ý nghĩa, vai trò, mục tiêu của Bộ pháp điển. Bộ pháp điển đã phần nào cụ thể hóa Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đó là xây dựng một hệ thống pháp luật công khai, minh bạch. Đồng thời, đồng chí cũng đánh giá về độ tin cậy, tính chính xác của các QPPL được đưa vào Bộ pháp điển để các cá nhân, tổ chức có thể yên tâm tra cứu. Đ/c hy vọng thông qua việc sử dụng, khai thác các cá nhân, tổ chức có thể góp ý để hoàn thiện hơn Bộ pháp điển, đặc biệt hướng tới việc thực hiện pháp điển về mặt nội dung trong tương lai.
Trần Thanh Loan