Phát huy vai trò của Hệ thống THADS trong việc bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật

01/09/2020
Phát huy vai trò của Hệ thống THADS trong việc bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật
Từ những ngày đầu thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cùng với sự ra đời của Ngành Tư pháp với vai trò trọng yếu bảo vệ pháp luật và thực thi công lý, 01 năm sau Hệ thống cơ quan THADS cũng được hình thành theo Sắc lệnh số 130/SL ngày 19/7/1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sắc lệnh quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án, bảo đảm cho quyền tư pháp của Nhà nước được thực hiện trọn vẹn, công lý được thực thi và trật tự pháp luật được khôi phục. Từ đó, hệ thống tổ chức THADS được hình thành trong lòng Tư pháp Việt Nam và trải qua chặng đường 74 năm, đã không ngừng được kiện toàn, phát triển lớn mạnh cả về quy mô, tổ chức.
Có thể khái quát thành các giai đoạn sau:
- Từ năm 1946 đến năm năm 1960, công tác THADS được giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý, thực hiện.
- Từ năm 1960 đến năm 1981, trên cơ sở Hiến pháp năm 1959 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960, công tác THADS được giao cho ngành Tòa án thực hiện.
- Từ năm 1981 đến năm 1993 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1981 đã giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quản lý Tòa án nhân dân địa phương về mặt tổ chức, trong đó có công tác THADS.
- Từ năm 1993 đến nay, công tác THADS được giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý toàn diện về tổ chức và hoạt động.
74 năm hình thành và phát triển của Hệ thống THADS trong chặng đường 75 năm Ngành Tư pháp, qua các giai đoạn như đã nêu trên, Hệ thống THADS đã có sự lớn mạnh vượt bậc. Cụ thể là:

Về thể chế, từ những quy định đầu tiên trong Sắc lệnh số 130/SL ngày 19/7/1946 tới Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960, năm 1981, Pháp lệnh THADS năm 1989, năm 1993, hiện nay thể chế về công tác THADS đã được xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ với văn bản có giá trị cao nhất là Luật THADS năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 cùng với đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn thi hành.

Về hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ, từ cơ cấu tổ chức ban đầu có tính rời rạc, hệ thống tổ chức THADS được kiện toàn một bước từ Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 1960 với việc thành lập Phòng chỉ đạo thi hành án là một Phòng hoạt động độc lập dưới sự chỉ đạo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nắm tình hình, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác thi hành án của Chấp hành viên tại Tòa án nhân dân các cấp. Từ khi được được chuyển giao về Bộ Tư pháp năm 1993, Hệ thống THADS không ngừng lớn mạnh hoạt động thống nhất theo hệ thống ngành dọc từ trung ương đến địa phương; ở trung ương có Tổng cục THADS trực thuộc Bộ Tư pháp, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Cục THADS; cấp huyện có các Chi cục THADS trực thuộc Cục THADS tỉnh.
Đội ngũ công chức Hệ thống THADS được tăng cường về số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao. Năm 2020, toàn Hệ thống THADS được phân bổ 9.088 biên chế. Tính đến nay, đã thực hiện 9.014 biên chế công chức hành chính, trong đó có 4.214 Chấp hành viên, 788 Thẩm tra viên, 1.702 Thư ký, còn lại là Chuyên viên và các ngạch công chức khác.

Nhìn lại lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển thời gian qua trong sự phát triển chung của Ngành Tư pháp, có thể thấy, Hệ thống THADS đã từng bước được xây dựng, củng cố, phát triển và lớn mạnh không ngừng, những thay đổi về tổ chức, những thành tựu đã đạt được và cả những hạn chế đã để lại những bài học quý giá cho hiện tại và tương lai. Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, song các thế hệ công chức, người lao động trong các cơ quan THADS rất đỗi vinh dự và tự hào về những chặng đường mà mình đã đi qua trong sự phát triển chung của Ngành Tư pháp. Ở bất cứ thời điểm nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, công chức, người lao động trong các cơ quan THADS vẫn đoàn kết, sáng tạo và nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Kết quả thi hành án về việc và về tiền nhìn chung đều vượt chỉ tiêu đề ra, tăng dần qua từng năm, từng giai đoạn. Số việc chuyển kỳ sau giảm đáng kể. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được kiểm soát và đi vào hoạt động nề nếp, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa. Hoạt động THADS ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội đã bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, đảm bảo được môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, lành mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Khi nói về vai trò của Hệ thống THADS trong việc bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức và công dân được thể hiện ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất, trong thực tiễn, vị trí thượng tôn của pháp luật chỉ có thể đạt được khi pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh và được các tổ chức, cá nhân tuân thủ một cách nghiêm túc, triệt để. Pháp luật nghiêm minh là điều kiện tiên quyết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, ổn định, qua đó, góp phần quan trọng củng cố niềm tin của Nhân dân vào lẽ phải, lẽ công bằng, sự tiến bộ và tính ưu việt của chế độ. Thi hành bản án, quyết định dân sự là khâu cuối của quá trình tố tụng, nhằm hiện thực hóa những bản án, quyết định của Tòa án vào thực tiễn cuộc sống; đảm bảo công lý được thực thi, có vị trí, ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương và ổn định.

Thứ hai, để bản án, quyết định của Tòa án được thực thi trên thực tế, công tác THADS đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực, cũng chính vì thế mà các tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động, thương mại ngày càng gia tăng, tính chất vụ việc phức tạp. Vì vậy, hoạt động THADS không những góp phần trực tiếp, tích cực vào việc bảo vệ những quyền con người, quyền công dân mà còn góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương, cụ thể như: góp phần tháo gỡ khó khăn, khơi thông, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua hoạt động thu hồi nợ, giảm nợ xấu và mở rộng tín dụng, bảo vệ quyền chủ nợ và thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng hay nâng cao an sinh xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thông qua việc xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Thứ ba, do tính chất của hoạt động THADS trực tiếp liên quan đến quyền và lợi ích của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến bản án, quyết định thi hành án, ở nhiều lĩnh vực khác nhau, mỗi lĩnh vực đều có những quy định riêng, đặc thù riêng. Để xác minh, truy tìm tài sản của người phải thi hành án là việc làm không đơn giản đối với các Chấp hành viên, cơ quan THADS, chưa kể đến những khó khăn từ phía các đương sự, do những đối tượng này không hợp tác với các Chấp hành viên, cơ quan THADS (tẩu tán, che giấu tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, thậm chí là chống đối quyết liệt Chấp hành viên trong quá trình tác nghiệp). Mặt khác kết quả của hoạt động THADS, không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Chấp hành viên, cơ quan THADS mà còn lệ thuộc rất nhiều vào hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, vai trò của cơ quan điều tra công an, chức năng kiểm tra, giám sát của Viện kiểm sát các cấp, chất lượng xét xử của Tòa án. Một bản án không nghiêm minh, không đúng pháp luật, chưa thấu tình đạt lý thì hậu quả giải quyết ở giai đoạn THADS vô cùng khó khăn, phức tạp; ngoài ra hiệu quả hoạt động còn phụ thuộc cả vào sự phối của các cấp, các ngành hữu quan, sự đồng tâm, hợp lực của cả hệ thống chính trị, cần thiết phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, thì công tác THADS mới thực sự đem lại hiệu quả thiết thực, xứng đáng với sự mong đợi của người dân cũng như toàn xã hội.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác THADS, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức và công dân, trong thời gian tới Hệ thống THADS cần tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cơ bản sau:
1. Đội ngũ người làm công tác THADS cần tiếp tục nỗ lực, phấn đấu không ngừng để cùng nhau xây dựng Hệ thống các cơ quan THADS ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của công tác THADS trong bối cảnh yêu cầu phát triển chung của Ngành Tư pháp trong giai đoạn hiện nay, thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp trong lúc này là vấn đề  đời  làm người”.

2. Tập trung chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thi hành án, nhất là đối với những vụ việc trọng điểm, phức tạp, những vụ án liên quan đến tham nhũng, tín dụng, ngân hàng, những địa bàn, địa phương có lượng án lớn. Có giải pháp cụ thể, hữu hiệu thu hẹp dần lượng án chuyển kỳ sau hằng năm, chú trọng nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà nước, tổ chức, người dân và doanh nghiệp.

3. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tiếp tục triển khai sâu rộng, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công chức, người lao động Hệ thống THADS phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện hết sức vững vàng về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và đặc biệt là bản lĩnh nghề nghiệp.

4. Tăng cường các nhiệm vụ cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cơ chế một cửa và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động THADS, nâng cao trách nhiệm giải trình, tính công khai, minh bạch, phòng ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực, xây dựng hình ảnh đẹp về tinh thần, thái độ, tác phong phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tăng cường minh bạch hóa thông tin và công tác truyền thông để nhân dân biết, chia sẻ và giám sát hoạt động THADS.

5. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, đặc biệt là Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, cơ quan Công an và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động THADS được triển khai ngày càng tích cực, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.