Đề án tổ chức và hoạt động của NXBTP: Hướng đến sự phát triển bền vững trong thời gian tới

04/07/2020
Đề án tổ chức và hoạt động của NXBTP: Hướng đến sự phát triển bền vững trong thời gian tới
Ngày 03/7/2020, Nhà xuất bản Tư pháp đã tổ chức phiên họp thứ nhất của Tổ soạn thảo Đề án “Mô hình tổ chức và hoạt động của Nhà xuất bản Tư pháp giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Tham dự họp có các thành viên Tổ soạn thảo, các cán bộ chủ chốt của Nhà xuất bản Tư pháp. Đồng chí Hồ Quang Huy, Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp, Tổ trưởng Tổ soạn thảo chủ trì cuộc họp.
Sau khi công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Tổ soạn thảo Đề án, đồng chí Nguyễn Việt Anh, Phó Trưởng phòng Tổng hợp - Hành chính, Thành viên kiêm Thư ký Tổ soạn thảo đã trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo tổng kết “Đề án kiện toàn tổ chức, đổi mới hoạt động của Nhà xuất bản Tư pháp giai đoạn 2009 - 2015, định hướng đến năm 2020” và dự thảo 1 của Đề án “Mô hình tổ chức và hoạt động của Nhà xuất bản Tư pháp giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Nhiều vấn đề đã được các đại biểu trao đổi, thảo luận, trong đó đặc biệt là một số nội dung lớn liên quan đến cơ cấu tổ chức, các nhiệm vụ, giải pháp đột phá và điều kiện bảo đảm thực hiện của Nhà xuất bản Tư pháp trong giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, trong thời gian tới, cần tiếp tục đánh giá thật kỹ kết quả triển khai Đề án kiện toàn tổ chức, đổi mới hoạt động của Nhà xuất bản Tư pháp giai đoạn 2009 - 2015, định hướng đến năm 2020, trong đó nhận định chính xác nguyên nhân chủ quan, khách quan, những thách thức, thời cơ trong lĩnh vực xuất bản để mạnh dạn đưa ra các kiến nghị, đề xuất cụ thể, làm tiền đề cho việc xây dựng Đề án “Mô hình tổ chức và hoạt động của Nhà xuất bản Tư pháp giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án phải đặt trong tổng thể định hướng phát triển các đơn vị sự nghiệp của Bộ, phải tạo lập không gian pháp lý để Nhà xuất bản Tư pháp phát triển bền vững trong sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt của lĩnh vực xuất bản ở nước ta. Nội dung Đề án cần tiếp cận trực diện, thực chất, với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sát với từng lĩnh vực công tác của đơn vị (công tác tổ chức, cán bộ; công tác biên tập, phát hành; công tác tài chính, kế hoạch; công tác chỉ đạo điều hành, ứng dụng công nghệ thông tin…) để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả khi triển khai thực hiện.
Tại cuộc họp, đồng chí Tổ trưởng Tổ soạn thảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp cũng đề nghị thành viên Tổ soạn thảo, Lãnh đạo các Phòng, Ban, Trung tâm thuộc Nhà xuất bản trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu dự thảo Đề án, thảo luận, thống nhất về nhận thức và quan điểm trong nội bộ Phòng, Ban, Trung tâm để phục vụ cho cuộc họp giữa Ban Lãnh đạo, thường trực Tổ Soạn thảo với từng Phòng, Ban, Trung tâm về chỉ tiêu, định hướng phát triển từng mảng nhiệm vụ công tác của đơn vị, tiếp tục hoàn thiện Đề án, báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, ký ban hành, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng theo Kế hoạch đã đề ra./.
 
Tổ Quản lý website Nhà xuất bản Tư pháp