Thẩm định dự thảo Quyết định về việc ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025

24/06/2020
Thẩm định dự thảo Quyết định về việc ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025
Sáng 23/6/2020, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng thẩm định dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025.
Báo cáo trước Hội đồng thẩm định, ông Tô Đức, Vụ trưởng - Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, việc áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 đã nhận diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo thu nhập và từng chiều, chỉ số thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đây là cơ sở để các địa phương triển khai những chương trình, cơ chế đặc thù thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 9,88% đầu năm 2016 xuống còn 3,75% cuối năm 2019, dự kiến xuống dưới 3% cuối năm 2020, bình quân giảm 1,53%/năm, tỷ lệ giảm nghèo đạt và vượt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra cho giai đoạn 2016 - 2020 là 1-1,5%/năm. Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều đã bước đầu phân loại được mức độ nghèo giữa các vùng, miền. Phương pháp, công cụ, quy trình rà soát hộ nghèo bảo đảm tính khách quan hơn, dễ nhận diện đối tượng, xác định được mức độ thiếu hụt về thu nhập và các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo để thực hiện các chính sách hỗ trợ, tác động phù hợp.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, thực tiễn đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện chuẩn nghèo quốc gia với một số vấn đề cụ thể như: quy định về chuẩn nghèo đã bộc lộ một số nội dung lạc hậu, bất cập. Hiện nay việc áp dụng chuẩn nghèo đã nảy sinh những vấn đề mới chưa được quy định, chưa được nhận diện, đo lường. Một số chỉ số đo lường tiếp cận nghèo đa chiều chưa cụ thể, khó đo lường, khó xác định khi thực hiện hoặc không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn tới, gồm chỉ số tiếp cận các dịch vụ y tế, trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, chất lượng nhà ở, nguồn nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin...
Trước yêu cầu xây dựng và triển khai các chương trình, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với bối cảnh, điều kiện mới của giai đoạn 2021 - 2025, cần thiết phải xây dựng, ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới theo hướng kế thừa những điểm tích cực, thành công; khắc phục những nội dung lạc hậu, tồn tại, vướng mắc của chuẩn nghèo hiện nay và giải quyết các vấn đề phát sinh hoặc mới được nhận diện. Do vậy, việc xây dựng, ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 là hết sức cấp thiết, là cơ sở pháp lý cho các Bộ, ngành và địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững giai đoạn tới.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đưa ra các ý kiến thẩm định đối với dự thảo Quyết định nêu trên như: Tờ trình Thủ tướng Chính phủ chưa đánh giá được tác động đến nguồn ngân sách, tác động đến các kỳ ngân sách của Nhà nước; dự kiến nguồn lực bảo đảm khi có sự thay đổi về đối tượng khi chuẩn nghèo mới được ban hành; việc ban hành Quyết định này có hạn chế được tình trạng đối tượng bám theo hộ nghèo, cận nghèo để được hưởng chính sách không …
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đề nghị: về nguồn ngân sách Nhà nước bảo đảm, cần đánh giá kỹ vì việc thay đổi các tiêu chí sẽ làm tăng thêm nguồn lực tài chính; đồng thời bổ sung thêm một Điều quy định về việc giải thích từ ngữ như cụm từ “chuẩn nghèo”; về hồ sơ thẩm định,đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan để hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động./.
Vũ Giang