Đây là lời nhấn mạnh của Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật (QPPL) Đồng Ngọc Ba trong Hội thảo giải đáp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện rà soát văn bản diễn ra vào chiều ngày 09/6 tại Bộ Tư pháp.
Đến nay, nhìn một các tổng thể, chúng ta đã có một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; chất lượng các văn bản QPPL từng bước được nâng lên, đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hệ thống pháp luật vẫn còn những hạn chế, bất cập, nhất là vẫn còn tồn tại những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp thực tiễn, chậm được rà soát, phát hiện và xử lý đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo ra những rào cản nhất định đối với sự phát triển. Trên cơ sở đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai nhiệm vụ rà soát văn bản, trực tiếp là việc Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 07/02/2020 ban hành Kế hoạch thực hiện rà soát văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ và Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 12/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL.
|
|
Việc triển khai nhiệm vụ rà soát văn bản QPPL theo Quyết định 209/QĐ-TTg và Quyết định số 236/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ bản đã được tổ chức bài bản với thuận lợi rất lớn là sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo Tổ công tác và Lãnh đạo các bộ, ngành. Tuy nhiên, do khối lượng công việc lớn, yêu cầu cao về chất lượng và tiến độ thực hiện trong bối cảnh ảnh hưởng chung của dịch Covid-19 đã dẫn đến những khó khăn nhất định trong quá trình triển khai nhiệm vụ rà soát văn bản QPPL tại các bộ, cơ quan ngang bộ, các Nhóm rà soát, như: Khối lượng hệ thống văn bản QPPL thuộc đối tượng rà soát của các bộ, cơ quan ngang bộ rất lớn, do đó với thời gian thực hiện ngắn gây khó khăn cho việc rà soát; một số khó khăn, lúng túng về nghiệp vụ rà soát, trong cách hiểu và thực hiện các biểu mẫu báo cáo và phụ lục kết quả rà soát, như: thể hiện phụ lục kết quả rà soát, kiến nghị trong trường hợp văn bản được rà soát có nhiều căn cứ rà soát, đối chiếu; khó khăn trong xác định hiệu lực, xác định thế nào là văn bản quy định chi tiết; việc xác định thế nào là mâu thuẫn, chồng chéo, không thống nhất, đồng bộ hay chỉ là các hiểu khác nhau trong áp dụng pháp luật do đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản khác nhau…
|
|
Các đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành tham dự Hội thảo đã cùng trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ rà soát văn bản QPPL của Bộ, ngành mình, từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị giải quyết những khó khăn, vướng mắc đó.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, đồng chí Đồng Ngọc Ba ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực, cùng chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn của các Bộ, ngành. Đồng chí Đồng Ngọc Ba khẳng định, nhiều cơ quan, đơn vị đã đạt được những kết quả bước đầu, đây là điều có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc triển khai nhiệm vụ rà soát văn bản không chỉ trong năm 2020 mà còn cả các năm tiếp theo. Đồng chí Đồng Ngọc Ba cũng nhấn mạnh trong thời gian tới, các Bộ, ngành cần bám sát theo sự hướng dẫn Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường sự phối hợp nhịp nhàng giữa các Bộ, ngành; tập trung đẩy nhanh tiến độ để triển khai công việc đảm bảo hoàn thành theo đúng thời hạn đã đề ra. Đặc biệt, các đề xuất, kiến nghị nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong rà soát văn bản phải xác đáng, hiệu quả.
Ngọc Dung - Trung tâm Thông tin