Cách đây 3 thập kỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp chế, Hội đồng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Toà soạn Tập san Pháp chế XHCN, tiền thân của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (DC&PL) ngày nay. Nhân dịp này, sáng 20/12, Tạp chí DC&PL đã tổ chức Toạ đàm kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (20/12/1977 - 20/12/2007).
Trong lời khai mạc Toạ đàm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường ghi nhận, nhờ thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, Tạp chí đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền khoa học pháp lý nước nhà, cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, cho quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân cũng như góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp cho đội ngũ cán bộ tư pháp, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp cho người dân và chung tay xây dựng ngành Tư pháp ngày càng lớn mạnh… Bộ trưởng Hà Hùng Cường mong muốn tại buổi Toạ đàm, các đại biểu cùng nhau thảo luận cởi mở, dân chủ nhằm đánh giá chính xác những kết qua đạt được, đặc biệt thẳng thắn nhìn nhận và phân tích rõ nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong công tác của Tạp chí, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục, từng bước nâng cao chất lượng tin, bài, cải tiến hình thức, mở rộng kênh phát hành.
Đánh giá 30 năm hoạt động của Tạp chí, Tổng Biên tập Nguyễn Văn Tuân nhận định, Tạp chí luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị của ngành Tư pháp. Ngoài việc đảm bảo các số tạp chí phát hành định kỳ trong năm, Tạp chí đã xuất bản nhiều số chuyên đề phục vụ tủ sách xã, phường cũng như nhiều số chuyên đề chuyên sâu và hướng dẫn nghiệp vụ. Nhiều năm liền, Tạp chí được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Năm 2004, Tạp chí được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích công tác trong 3 năm 2001 – 2003 và đón nhận Cờ thi đua của ngành Tư pháp. Theo ông Tuân, thời gian tới, Tạp chí sẽ tập trung đề cập đến các vấn đề tổng kết lý luận trong xây dựng và phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; nghiên cứu, trao đổi các nội dung cơ bản của Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; phản ánh những vấn đề liên quan đến bảo vệ các giá trị dân chủ và quyền con người…
Tổng Biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật Phạm Quang Nghị rất tâm đắc với các số chuyên đề của Tạp chí DC&PL về tính khoa học và thiết thực. Ông Nghị cho biết, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (cơ quan chủ quản Tạp chí của ông) có khoảng 28 tạp chí nhưng chỉ vài tờ là phát hành được và riêng Tạp chí của ông đã nhận được sự giúp đỡ tích cực của Tạp chí DC&PL trong khâu phát hành. Tuy nhiên, cùng với nhiều đại biểu khác, ông Nghị kỳ vọng, Tạp chí DC&PL cần xoáy sâu hơn vào khía cạnh thực hiện dân chủ trong đời sống pháp lý của nước ta. Ông Nguyễn Đăng Dung - Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị Tạp chí phải phát huy mạnh mẽ vai trò trong việc giúp lãnh đạo Bộ Tư pháp nhận diện vấn đề và hoạch định chính sách. Theo Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Nguyễn Tất Viễn, một vấn đề rất quan trọng cần giải quyết nhằm mở đường cho sự phát triển của Tạp chí chính là phải làm sao thể hiện được bản sắc và diện mạo riêng so với một số tạp chí cùng nghiên cứu về nhà nước và pháp luật khác. Các đại biểu cũng góp ý Tạp chí nên phản ánh kết quả các đề tài khoa học, hay xây dựng thêm các chuyên mục mới như giải quyết xung đột giữa pháp luật và dân chủ, thông tin đối ngoại…
Kết thúc Toạ đàm, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng hoan nghênh các sáng kiến vô cùng tâm huyết của các đại biểu cho sự hoàn thiện của Tạp chí. Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho rằng, để xứng đáng với sự tin cậy của bạn đọc cả nước, trong giai đoạn 2008 – 2010, nội dung các bài viết của Tạp chí cần tập trung nghiên cứu, chuyển tải những vấn đề mới của khoa học pháp lý, bám sát thực tiễn sinh động của ngành, của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Còn giai đoạn sau năm 2010, Tạp chí phải mở rộng hợp tác với các tạp chí của một số nước có nền khoa học pháp lý, có hoàn cảnh lịch sử và trình độ kinh tế - xã hội tương tự Việt Nam để học hỏi. Cuối cùng, thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng đã trao Bằng khen cho 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Tạp chí.
Hoàng Thư