Thực hiện nhiệm vụ xây dựng Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (thay thế Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ), ngày 14/5/2020, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm tổ chức cuộc họp Tổ biên tập mở rộng lần thứ nhất để lấy ý kiến thành viên Tổ biên tập và các chuyên gia, những nhà hoạt động thực tiễn đối với dự thảo Chương I, Chương II của Nghị định. Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Tổ trưởng Tổ biên tập dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp có các thành viên Tổ biên tập là đại diện của các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Tổng cục Thi hành án dân sự, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Cục Bồi thường nhà nước, Viện Khoa học pháp lý, Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại Thành phố Hà Nội); Hiệp hội ngân hàng, Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI),Trường Đại học Luật Hà Nội, Công ty Luật An Hòa. Bên cạnh đó, cuộc họp lần này còn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
và đại biểu làm công tác thực tiễn
tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
Tại cuộc họp, thay mặt Thường trực Tổ biên tập, ông Nguyễn Hồng Hải đã khái quát một số vấn đề lớn và những vấn đề cần thảo luận trong dự thảo Chương I, Chương II của Nghị định về các quy định chung và xác định bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm như: áp dụng pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; quyền, nghĩa vụ liên quan đến giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; truy đòi tài sản; bảo vệ người thứ ba ngay tình và việc thể hiên ý chí trong bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; bên bảo đảm trong các trường hợp dùng tài sản của người chưa thành niên để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, dùng tài sản của vợ, chồng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, dùng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình là người sử dụng đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thông qua ủy thác…
Kết quả cuộc họp cho thấy, về cơ bản, các đại biểu đều nhất trí với nội dung dự thảo Chương I, Chương II của Nghị định như: phạm vi điều chỉnh; áp dụng pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; nghĩa vụ được bảo; áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác; quyền, nghĩa vụ liên quan đến giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; truy đòi tài sản; bảo vệ người thứ ba ngay tình; việc thể hiện ý chí trong bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; xác định bên bảo đảm trong trường hợp như dùng tài sản của người chưa thành niên, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; trường hợp dùng tài sản của vợ, chồng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; trường hợp dùng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình là người sử dụng đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; bên nhận bảo đảm là cá nhân, pháp nhân không phải là tổ chức tín dụng… Bên cạnh đó, về cơ bản, các ý kiến đều cho rằng, nội dung của dự thảo Chương I, Chương II của Nghị định phù hợp với chính sách được nêu tại Tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã được Chính phủ thông qua. Nội dung của dự thảo chi tiết, cụ thể sẽ tạo thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật.
Bên cạnh đó, có một số ý kiến góp ý để hoàn thiện nội dung và kỹ thuật soạn thảo của dự thảo Nghị định như: quy định về xác định bên bảo đảm trong trường hợp dùng tài sản của người chưa thành niên để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ phải đồng bộ với quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình và quy định liên quan của Bộ luật Dân sự năm 2015; sửa đổi quy định về các loại giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản theo hướng rõ ràng hơn về các loại giấy tờ và bao quát các tài sản là động sản và bất động sản; cân nhắc tính khả thi của quy định về xác định thành viên hộ gia đình là người sử dụng đất; làm rõ điều kiện đối với cá nhân, pháp nhân không phải là tổ chức tín dụng nhận bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để đảm bảo an toàn pháp lý, tránh tình trạng “tín dụng đen”; rà soát thuật ngữ để đảm bảo tính thống nhất trong áp dụng pháp luật như “giao tài sản”, “chuyển giao tài sản”, “cho phép”, “mua nợ”, “bán nợ”… Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, cần rà soát, kế thừa những quy định còn phù hợp của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP...
Kết thúc cuộc họp, đại diện cho đơn vị chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định - Ông Nguyễn Hồng Hải cảm ơn các ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự cuộc họp, đồng thời khẳng định, những ý kiến của các đại biểu có ý nghĩa rất quan trọng, thường trực Tổ biên tập sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến trong việc chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định và trong chuẩn bị các nội dung liên quan để báo cáo Ban soạn thảo xây dựng dự thảo Nghị định./.
Nguyễn Hoa - Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm