Ngày 19/12 trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đồng tài trợ, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Báo cáo đánh giá thực trạng nhận thức và nhu cầu pháp luật của các nhóm đối tượng yếu thế.
Hội thảo do Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên và ông Nicholas Booth - Cố vấn chương trình Tiếp cận Công lý và Quyền con người, Văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNDP đồng chủ trì với mục tiêu trao đổi, góp ý và hoàn thiện dự thảo Báo cáo để xác định thực trạng nhận thức pháp luật và nhu cầu pháp luật của các nhóm người yếu thế, tập trung vào phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số và người nghèo. Trên cơ sở đó, đưa ra những giải pháp góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và đáp ứng tốt hơn nhu cầu pháp luật của các nhóm đối tượng này.
Phát biểu khai mạc, Phó Vụ trưởng Phan Hồng Nguyên nhấn mạnh, quyền tiếp cận thông tin, trong đó có thông tin pháp luật, là quyền hiến định được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Để thực hiện quyền này, việc đánh giá thực trạng nhận thức pháp luật và nhu cầu pháp luật của người dân là hết sức quan trọng và càng trở nên cần thiết đối với nhóm người yếu thế.
Tuy nhiên, năng lực nhận thức của các nhóm yếu thế đang tồn tại nhiều vấn đề đòi hỏi phải có sự quan tâm. Vì vậy, theo ông Nguyên, cần hoàn thiện thể chế và có những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong thời gian tới, trong đó cần đặc biệt quan tâm, chú trọng đến nhóm đối tượng yếu thế, đặc thù, nhất là phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số…
Ông Nicholas Booth chia sẻ, dự thảo Báo cáo đã xác nhận lại những rào cản mà các nhóm đối tượng yếu thế gặp phải. Nghèo đói, bất bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục, khoảng cách địa lý, các phong tục văn hóa khác nhau, sự kỳ thị và phân biệt đối xử… “Tất cả các yếu tố trên cản trở phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và nhóm dân tộc thiểu số trong việc hiểu rõ ràng các thuật ngữ luật pháp và làm thế nào để họ vận dụng được ưu điểm của luật pháp và chính sách vào đời sống thường nhật” – ông Booth đặt vấn đề.
Khả năng tiếp cận thông tin, pháp luật và tư pháp của người dân là một trong những yếu tố quan trọng trong sự phát triển ở bất cứ quốc gia nào. Khi những quyền và lợi ích của người dân đã được pháp luật bảo vệ, nhưng do nhận thức còn hạn chế mà không được thực thi một cách hiệu quả thì sẽ đem lại những tác động, có thể là tác động không tích cực tới quản lý xã hội,sẽ có những nhóm đối tượng yếu thế bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển hoặc chịu sự phân biệt đối xử.
Trong đó, phụ nữ, trẻ em, cộng đồng dân tộc thiểu số và người nghèo là những nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Tiếp cận tư pháp và vấn đề nhận thức, đặc biệt là nhận thức pháp luật có liên hệ mật thiết với nhau. Khi nhận thức pháp luật không đầy đủ, con người trong xã hội khó có thể chủ động tiếp cận công lý hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ để tiếp cận tư pháp.
Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã rất chủ động và tích cực trong việc xây dựng, tăng cường thi hành pháp luật, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật để bảo vệ quyền con người và lợi ích của bản thân thông qua việc xây dựng Chiến lược cải cách tư pháp, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm yếu thế tham gia vào đời sống chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn những thách thức trong việc bảo đảm, thực hiện tiếp cận pháp luật, đáp ứng nhu cầu nâng cao nhận thức pháp luật. Đặc biệt, đối với phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và trẻ em là những nhóm dễ bị tổn thương nhất.
Do đó, việc đánh giá thực trạng về nhận thức pháp luật và nhu cầu pháp luật của các nhóm đối tượng yếu thế đã tạo cơ sở đề xuất, khuyến nghị giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao hiểu biết pháp luật, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho đối tượng này là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang chủ trương đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, mục tiêu tổng quát của Chương trình Nghị sự 21 về phát triển bền vững là
"Đạt được sự đầy đủ về vật chất, sự giàu có về tinh thần và văn hóa, sự bình đẳng của các công dân và sự đồng thuận của xã hội, sự hài hòa giữa con người và tự nhiên; phát triển phải biết kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa được ba mặt là phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường”. Cam kết “Không để ai bị bỏ lại phía sau” được nêu ra trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững được đưa ra để hướng đến những nhóm đối tượng yếu thế. Điều này được xem như là tiền đề của Hội thảo nói riêng và của các hoạt động khác trong khuôn khổ Dự án EU JULE nói chung.
Trình bày tóm tắt về dự thảo Báo cáo, GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, đồng thời là Trưởng nhóm Nghiên cứu, đã nêu một số khuyến nghị để nâng cao năng lực nhận thức của các nhóm đối tượng yếu thế. Cụ thể là phát triển bền vững không để ai bị bỏ lại phía sau; xây dựng thể chế và triển khai các giải pháp thiết thực cho các nhóm này nhằm hướng tới hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Hà Đình Bốn đánh giá cao chất lượng của dự thảo Báo cáo, coi đây là “thư ngỏ” để gửi đến Chính phủ và các bộ, ngành để nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện chính sách cho người yếu thế nói riêng và người dân nói chung. Nhằm hoàn thiện dự thảo Báo cáo, ông Bốn đề nghị Bộ Tư pháp có văn bản xin ý kiến một số bộ, ngành liên quan để bổ sung chính sách, số liệu cho dự thảo Báo cáo và nếu được, nên mở rộng thêm việc nghiên cứu các đối tượng yếu thế khác.
H.Thư