Nâng cao chất lượng hoạt động lấy ý kiến với nhóm đối tượng yếu thế chịu sự tác động của CS, VB

03/12/2019
Nâng cao chất lượng hoạt động lấy ý kiến với nhóm đối tượng yếu thế chịu sự tác động của CS, VB
Nhằm nâng cao chất lượng lấy ý góp ý vào chính sách, văn bản, trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác, Dự án Tăng cường pháp luật và Tư pháp Việt Nam (EU JULE) đã hỗ trợ việc nghiên cứu về giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động lấy ý kiến trong đó có việc lấy ý kiến nhóm đối tượng yếu thế để có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các luật chuyên ngành liên quan đến lấy ý kiến. Ngày 29/11/2019, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Góp ý Báo cáo nghiên cứu về giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động lấy ý kiến đối với nhóm đối tượng yếu thế chịu sự tác động của chính sách, văn bản trong xây dựng chính sách”.
Đồng chủ trì phiên thảo luận có ông Nguyễn Hồng Tuyến – Vụ trường Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, ông Nicholas Booth, Cố vấn chương trình Tiếp cận công lý, phòng chống xung đột và nhân quyền, Chuyên gia UNDP Khu vực Châu Á, Thái Bình Dương.
Hội thảo nhằm đánh giá về thực trạng công tác lấy ý kiến nói chung và đối với nhóm yếu thế chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, văn bản nói riêng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Đưa ra một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng lấy ý kiến đối với chính sách, văn bản, đặc biệt là lấy ý kiến đối với nhóm đối tượng yếu thế (phụ nữ, người già, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người nghèo...) chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, văn bản.
Những điểm mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về việc lấy ý kiến trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hồng Tuyến cho biếtLuật ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 22/6/2015 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, thay thế Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004. Ngày 14/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Với tính chất là một “luật làm luật”, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một đạo luật hết sức quan trọng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Luật quy định nhiều nội dung quan trọng như: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nguyên tắc xây dựng, ban hành VBQPPL, thẩm quyền ban hành và quy trình ban hành cụ thể cho từng loại văn bản, công bố, triển khai thi hành VBQPPL,... Trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản có rất nhiều công đoạn phải triển khai thực hiện, có những khâu rất quan trọng như xây dựng chính sách, đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến, thẩm định, tổ chức soạn thảo văn bản,… Trong đó, việc lấy ý kiến là một bước bắt buộc trong cả quá quá trình xây dựng chính sách (lập đề nghị xây dựng VBQPPL) và quá trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chất lượng hoạt động lấy ý kiến sẽ góp phần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của việc lấy ý kiến trong quá trình xây dựng chính sách, văn bản, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã bổ sung nhiều quy định theo hướng mở rộng dân chủ, tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia nhiều hơn vào quá trình xây dựng chính sách, soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Những quy định như xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc lấy ý kiến, thời gian lấy ý kiến, địa chỉ lấy ý kiến, phương pháp lấy ý kiến, việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý và đăng tải báo cáo tiếp thu, giải trình trên Cổng thông tin điện tử. Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 quy định bắt buộc lấy ý kiên của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, văn bản, trong đó có các nhóm đối tượng yếu thế như phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người khuyết tật, người già, người lang thang cơ nhỡ, người nhiễm chất độc da cam/điôxin,…
Đánh giá về thực trạng triển khai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, ông Nguyễn Hồng Tuyến cho biết đến nay, Luật ban hành VBQPPL năm 2015 đã được triển khai thực hiện gần 4 năm, các quy định của Luật đã và đang phát huy tác dụng, công tác xây dựng pháp luật được các cấp, các ngành quan tâm, chú trong hơn, đạt được nhiều kết quả vượt bậc, hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có luật điều chỉnh, tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của văn bản được nâng cao, pháp luật đã thực sự góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Đối với công tác lấy ý kiến trong quá trình xây dựng chính sách, văn bản cũng đã được thực hiện theo quy định của Luật, kết quả cũng đã có những tiến bộ nhất định, hầu hết khi lập đề nghị xây dựng văn bản, tổ chức soạn thảo văn bản các cơ quan chủ trì đều thực hiện việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan bằng các hình thức như đăng tải qua Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng  thông tin của bộ, ngành và lấy ý kiến bằng văn bản, các hình thức khác như hội thảo, tọa đàm,… Tuy nhiên, việc lấy ý kiến đối với chính sách, dự thảo văn bản có khi, có nơi còn mang nặng tính hình thức, chưa đi vào thực chất, chỉ thực hiện cho đúng thủ tục dẫn đến chất lượng góp ý chưa cao,… Đối tượng yếu thế là những đối tượng có những hạn chế nhất định so với các đối tượng bình thường khác, nên việc lấy ý kiến càn phải có hình thức, phương pháp, thời gian, địa điểm và nội dung riêng cho từng nhóm đối tượng nhưng thực tế các cơ quan chủ trì xây dựng văn bản chưa thực sự có các gải pháp đặc thù nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng này phát biểu ý kiến cũng như ghi nhận ý kiến của họ, đặc biệt là các chính sách liên quan trực tiếp đến họ.
Khẳng định việc lấy ý kiến nhóm đối tượng yếu thế là một khâu đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến họ. Ông Nguyễn Hồng Tuyến mong rằng, kết quả thảo luận, góp ý tại Hội thảo bên cạnh việc giúp hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu, sẽ là cơ sở để giúp các cơ quan có thẩm quyền trong việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các luật chuyên ngành liên quan đến lấy ý kiếncủa nhóm đối tượng yếu thế.
 
Ông Nicholas Booth, Chuyên gia UNDP Khu vực Châu Á, Thái Bình Dương đồng tình với ông Nguyễn Hồng Tuyến rằng thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều sự thay đổi trong quy trình xây dựng pháp luật nói chung, đặc biệt là trong việc lấy ý kiến đối với việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nói riêng. Ông Nicholas Booth cũng cho rằng việc lấy ý kiến một cách toàn diện, chất lượng đối với các chính sách, văn bản pháp luật là một yêu cầu khó mà tất cả các nước phải đối mặt, bởi ngôn ngữ, kỹ thuật chuyên ngành của các văn bản quy phạm pháp luật đối với phần lớn người dân rất khó tiếp cận, do đó không thu hút được sự chú ý của nhiều đối tượng, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế (Những người thường nằm trong số những nhóm nghèo nhất hoặc sống ở những vùng xa xôi nhất; nhóm những người bị khuyết tật hoặc đến từ các cộng đồng dân tộc thiểu số, họ có thể phải đối mặt với các rào cản giao tiếp, dễ bị tổn thương hoặc bị phân biệt đối xử,…). Với sự hỗ trợ từ dự án JULE của EU, hi vọng rằng các ý kiến tại hội thảo, đặc biệt là ý kiến từ nhóm các đối tượng yếu thế được mời tới tham dự sẽ giúp cho nhóm nghiên cứu hoàn thiện được Báo cáo, đồng thời có thể lấy được nhiều các ý tưởng tốt để đưa vào thực tiễn để làm cho luật pháp và các quy trình hoạch định chính sách ở Việt Nam có sự tham gia ý kiến toàn diện hơn.
Tại Hội thảo, nhiều tham luận, ý kiến được các đại biểu đưa ra, đặc biệt là ý kiến của các nhóm đối tượng yếu thế như: Hội người khuyết tật Hà Nội, Hội người mù Việt Nam, Hội người điếc Việt Nam, …. đã chia sẻ những rào cản chính mà họ gặp phải khi tiếp cận các văn bản pháp luật hay khi tham gia góp ý đối với các chính sách, văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến họ; đồng thời cũng đưa ra các kiến nghị, nguyện vọng được tạo điều kiện tiếp cận, tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng các chính sách, văn bản pháp luật.
Đỗ Thị Mai,
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật