Nhận lời mời của Bộ Lập pháp Chính phủ Hàn Quốc, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do bà Nguyễn Minh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế làm Trưởng Đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại Seoul, Hàn Quốc từ ngày 29/10-31/10/2019 để tham dự Hội nghị các chuyên gia lập pháp Châu Á (ALES) và ký kết Chương trình hợp tác năm 2020 giữa hai Bộ. Cũng trong chuyến công tác, Đoàn đã có buổi làm việc với Bộ Tư pháp Hàn Quốc nhằm trao đổi về định hướng hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa hai bên trong thời gian tới.
1. Phát triển thành phố thông minh là xu hướng phát triển tất yếu trong kỷ nguyên cách mạng 4.0
ALES là Hội nghị được tổ chức hàng năm nhằm thúc đẩy hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia châu Á về quá trình xây dựng pháp luật và đưa ra những biện pháp chung để phát triển trong lĩnh vực lập pháp.
Chủ đề của Hội nghị lần thứ 7 này là “Những chiến lược phát triển lập pháp để phát triển thành phố thông minh”. Việc định nghĩa khái niệm thành phố thông minh đã được nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Pháp… đưa ra, song nhìn chung, đây là mô hình thành phố đổi mới sáng tạo sử dụng các công nghệ thông tin - truyền thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đáp ứng các yêu cầu của xã hội hiện đại. Các quốc gia châu Á đang thực hiện tổng thể các chính sách quốc gia và các dự án để phát triển thành thông minh nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia và giải quyết các vấn đề toàn cầu. Mặc dù mỗi quốc gia có những mục tiêu riêng và thực hiện các dự án khác nhau, song Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN đã được thiết lập và các quốc gia tham gia đã cùng thảo luận một số các biện pháp phối hợp.
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, đại diện cho Bộ Tư pháp Việt Nam, đã phát biểu tham luận về chủ đề “Phát triển thành phố thông minh ở Việt Nam”, trong đó nhấn mạnh ba nội dung chính về tình hình phát triển thành phố thông minh ở Hà Nội; Chiến lược phát triển công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và hệ thống pháp luật, chính sách trong lĩnh vực này. Bên cạnh hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành như Luật Đất đai, Luật đầu tư công, Luật Quy hoạch đô thị…, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các Quyết định về Chương trình hành động quốc gia nhằm tăng trưởng xanh và phát triển đô thị bền vững, mới nhất là Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/8/2018 phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. Đề án đã lựa chọn 04 thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh để triển khai thi điểm phát triển mô hình thành phố thông minh và bền vững. Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển mô hình này, Việt Nam cần tích cực tiến hành rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách và các văn bản pháp luật về phát triển đô thi bền vững, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về phát triển thành phố thông minh, hình thành, kết nối liên thông và duy trì hoạt động của hệ thống dữ liệu không gian đô thị số hóa và cơ sở dữ liệu quốc gia, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển hạ tầng đô thị.
Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận tích cực và đánh giá cao những đề xuất của Việt Nam trong việc phát triển thành phố thông minh và bền vững.
2. Ký kết Chương trình hợp tác năm 2020 với Bộ Lập pháp Chính phủ Hàn Quốc và làm việc với Bộ Tư pháp Hàn Quốc
Năm 2012, Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Lập pháp Chính phủ Hàn Quốc đã được ký kết, đánh dấu bước phát triển trong quan hệ hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa hai Bộ. Để triển khai Bản ghi nhớ hợp tác, hai bên đã tiến hành trao đổi nhiều đoàn cấp Bộ, cấp Vụ sang tham khảo, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Việc ký kết Chương trình hợp tác năm 2020 cũng nhằm tiếp tục thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác, đồng thời triển khai kết quả chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vào tháng 4/2019.
Tại buổi làm việc, hai Bên cũng đã trao đổi về đề xuất thực hiện Dự án “Xây dựng hệ thống phần mềm hỗ trợ công tác xây dựng và quản lý văn bản quy phạm pháp luật”. Đây là hệ thống đã được thiết lập và vận hành thành công tại Hàn Quốc nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý, soạn thảo và tra cứu văn bản quy phạm pháp luật. Với tài trợ ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Bộ Lập pháp chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ thực hiện Dự án tại Myanmar và Mông Cổ, trong đó tại Myanmar, hệ thống có thể được sử dụng thông qua điện thoại di động smartphone. Phía Bạn cho biết sẵn sàng phối hợp với Bộ Tư pháp Việt Nam để hoàn thiện đề xuất Dự án và triển khai thực hiện Dự án sau khi được phê duyệt.
Trong ngày làm việc cuối cùng của chuyến công tác, Đoàn đã gặp gỡ và làm việc với Bộ Tư pháp Hàn Quốc, thông tin với phía Bạn về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp Việt Nam cũng như những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của Bộ trong giai đoạn hiện nay. Hai bên đã cùng nhau trao đổi về việc thúc đẩy ký kết Chương trình hợp tác năm 2020 giữa hai Bộ và hợp tác trong đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tư pháp.
Hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới để có thể đáp ứng với tốc độ phát triển về hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước.