Tọa đàm truyền thông về tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW

08/10/2019
Tọa đàm  truyền thông về tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW
Sáng 8/10, Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm thông tin, truyền thông về tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW, Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2019 và tổ chức Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Pháp luật học đường”. Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc chủ trì tọa đàm, các Phó Vụ trưởng Phan Hồng Nguyên, Ngô Quỳnh Hoa cùng tham dự.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc cho biết, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phổ biến, giao dục pháp luật (PBGDPL) đã đạt nhiều kết quả trên mọi lĩnh vực. Dưới tác động của cách mạng công nghệ 4.0, theo Vụ trưởng Lê Vệ Quốc, toàn xã hội phải có sự chuyển động, trong đó công tác PBGDPL cũng không loại trừ. Việc tổng kết Chỉ thị 32 là việc làm hết sức cần thiết, để nhìn nhận những kết quả sau 15 năm, thuận lợi khó khăn và những thách thức của công tác PBGDPL trong giai đoạn mới, từ đó đổi mới từ tư duy, nhận thức đến lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đổi mới nội dung, hình thức…
Vụ trưởng Lê Vệ Quốc cũng nhấn mạnh, truyền thông về PBGDPL ngày càng quan trọng và là nhiệm vụ chính trị của hệ thống chính trị, cơ quan báo chí. Do vậy, các ý kiến tại tọa đàm sẽ góp phần vào việc tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong thời gian tới.
Thông tin về tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW, Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2019 và tổ chức Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Pháp luật học đường”, Phó Vụ trưởng Phan Hồng Nguyên cho biết, tính đến ngày 01/10/2019, Bộ Tư pháp đã nhận được báo cáo của 34/36 Bộ, ngành; 58/63 địa phương; 8/10 báo cáo chuyên đề về tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW . Nhìn chung, các báo cáo đã bám sát theo hướng dẫn tại Kế hoạch số 98-KH/BCĐCT32 về tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, được xây dựng một cách nghiêm túc, cung cấp nhiều thông tin giá trị.
 

Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW đã ban hành Kế hoạch số 98-KH/BCĐCT32 về tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư; các Quy chế, Quyết định. Bộ Tư pháp cũng ban hành một số văn bản liên quan; đồng thời đã tổ chức 02 Hội thảo đánh giá tình hình 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW tại Quảng Ninh, Quảng Bình; tổ chức 01 Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư và đề xuất định hướng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PBGDPL; tổ chức 03 Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo tại Phú Yên, Khánh Hòa; Bạc Liêu, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Bộ Tư pháp cũng tổ chức một số hoạt động truyền thông phục vụ tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW và các công việc khác cho Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW.
Theo Phó Vụ trưởng Phan Hồng Nguyên, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 32, thể chế, chính sách của công tác PBGDPL được hoàn thiện, đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ với văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Luật PBGDPL năm 2012 và các văn bản hướng dẫn là cơ sở pháp lý quan trọng để lãnh đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị quan tâm, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, đầu tư nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất cho công tác PBGDPL.
Từ khi có Chỉ thị 32-CT/TW và đặc biệt giai đoạn Luật PBGDPL có hiệu lực đến nay, nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội, ưu tiên các đối tượng đặc thù của công tác PBGDPL, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 05 Quyết định với 34 Đề án đã tạo điều kiện thuận lợi về chủ trương, cơ sở pháp lý và nguồn lựccho các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác PBGDPL theo hướng trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, cũng là giải pháp để cụ thể hóa các quy định, trách nhiệm của các cấp, các ngành được quy định trong Chỉ thị 32-CT/TW và Luật PBGDPL.
Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL được từng bước cải thiện, góp phần triển khai công tác PBGDPL đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả trên toàn quốc.
Đối với sự kiện Ngày Pháp luật, năm 2019 là năm thứ 6 Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam được triển khai phát động trên toàn quốc. Thực hiện trách nhiệm được giao theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, ngày 17/6/2019, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn hướng dẫn hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2019. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng ký Quyết định ban hành Kế hoạch hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2019 của Bộ Tư pháp.
 Cùng với việc phát động tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật tại các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, năm 2019, Bộ Tư pháp dự kiến phối hợp với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức phát động hưởng ứng Ngày Pháp luật trên địa bàn thành phố và phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Trung ương  Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tập đoàn giáo dục Egroup phát động Cuộc thi trực tuyến toàn quốc Pháp luật học đường. Đây được coi là là những sự kiện điểm nhấn hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2019.  
Tại buổi tọa đàm, các nhà báo đến từ nhiều cơ quan báo chí khác nhau đều chung nhận định, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 32, công tác PBGDPL đã có những chuyển biến tích cực, trong đó, báo chí cũng là một kênh thông tin quan trọng, là cầu nối đưa các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Tuy nhiên, cạnh đó công tác PBGDPL trên báo chí cũng còn rất nhiều khó khăn. Từ việc phân tích, làm rõ các khó khăn, vướng mắc này các nhà báo cũng đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền theo hướng sinh động, hấp dẫn, có sức lan tỏa nhiều hơn. Đồng thời đề nghị tăng cường chia sẻ, cung cấp thông tin từ Vụ PBGDPL, đặc biệt là các mô hình hay, sáng kiến tốt từ đó nhân lên trên phạm vi rộng.
Tin: Thu Hằng - Ảnh An Như