Đoàn Công tác của Viện Khoa học pháp lý thăm làm việc, nghiên cứu, khảo sát thực tế tại Cộng hòa Pháp

18/07/2019
Đoàn Công tác của Viện Khoa học pháp lý thăm làm việc, nghiên cứu, khảo sát thực tế tại Cộng hòa Pháp
Thực hiện Kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2019, tiếp tục mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế về khoa học pháp lý, từ ngày 7/7/2019 đến ngày 16/7/2019, Đoàn Công tác của Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp do TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý dẫn đầu đã tiến hành thăm làm việc, nghiên cứu, khảo sát thực tế tại Cộng hòa Pháp.
Đoàn Công tác đã tiến hành làm việc với Bộ Tư pháp Cộng hòa Pháp (Vụ Dân sự và ấn tín và Cơ quan nghiên cứu luật và tư pháp); Quốc hội Cộng hòa Pháp (Ban Hợp tác Quốc hội và Công tác quốc tế, quốc phòng); Hội đồng Hiến pháp; Tham Chính viện, Cơ quan Nghiên cứu luật và Tư pháp, Bộ Tư pháp Cộng hòa Pháp và Viện Cao cấp Nghiên cứu Pháp luật (IHEJ).

1. Tại buổi làm việc với Vụ Dân sự và ấn tín, Bộ Tư pháp Cộng hòa Pháp, Đoàn Công tác đã được Ông Patrick Rossi, Vụ phó Phụ trách Luật Kinh tế, giới thiệu về Vụ Dân sự và ấn tín, công tác pháp chế và phương pháp làm việc Phân Vụ Luật Kinh tế.
 

 
Vụ Dân sự và ấn tín là một trong các đơn vị Bộ Tư pháp Cộng hòa Pháp chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản luật và văn bản pháp quy của Chính phủ trong lĩnh vực dân sự (theo nghĩa rộng) như: pháp luật về quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản và nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, pháp luật thương mại, kinh tế, pháp luật kiểm toán, pháp luật về môi giới trong giao dịch…; Tham gia xây dựng các văn bản luật của Nghị viện, các văn bản pháp quy của Chính phủ liên quan đến lĩnh vực hiến pháp, hành chính, lao động, các vấn đề xã hội, vấn đề nhập cư và hồi hương, pháp luật sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, trưng mua, trưng dụng tài sản của cá nhân và pháp nhân, xây dựng và quy hoạch đô thị, đất đai và môi trường…; Chủ trì đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế trong lĩnh vực dân sự.

Vụ Dân sự và ấn tín có 120 người, trong đó 2/3 là Thẩm phán, 1/3 là công chức. Vụ Dân sự và ấn tín có 3 đơn vị: Đơn vị phụ trách về luật kinh tế (luật thương mại, luật công ty...); Đơn vi phụ trách về luật dân sư và Đơn vị phụ trách các nghề luật (luật sư, công chứng…). Cũng tại buổi làm việc, thông qua thực tiễn xây dựng dự thảo Luật đạo đức sinh học, Ông Patrick ROSSI đã giới thiệu với Đoàn Công tác về quy trình xây dựng một luật tại Pháp từ khi khởi thảo ý tưởng, đề xuất xây dựng luật, tới việc tiến hành các hoạt động nghiên cứu có liên quan, xây dựng dự thảo, tiến hành tham vấn, đánh giá tác động, xin ý kiến các thành viên Chính phủ, chuyển dự thảo cho Tham chính viện thẩm định, tới hoạt động trình dự án luật và cung cấp thông tin, giải trình, thuyết phục các thành viên Hạ viện và Thượng viện Pháp về nội dung dự thảo luật.

2. Tại buổi làm việc với Cơ quan Nghiên cứu luật và Tư pháp, Bộ Tư pháp Cộng hòa Pháp, Đoàn Công tác được Bà Valérie Sagant, Giám đốc Cơ quan giới thiệu chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan Nghiên cứu Luật và Tư pháp và quy trình nghiên cứu trong lĩnh vực luật và tư pháp. Cơ quan Nghiên cứu luật và Tư pháp được thành lập năm 1994 nhằm cung cấp những nguồn tài chính để nghiên cứu khoa học về tư pháp…. Mặc dù là cơ quan thuộc Bộ Tư pháp nhưng Cơ quan Nghiên cứu luật và Tư pháp có sự độc lập, tự chủ tương đối. Cơ quan Nghiên cứu luật và Tư pháp có Hội đồng bảo trợ hoạt động nghiên cứu (có tên gọi là Hội đồng quản trị) gồm đại diện của 5 đơn vị (Bộ Tư pháp, Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia của Pháp, Trường Đào tạo thẩm phán, Hội đồng quốc gia về luật sư và Liên đoàn công chứng). 5 đơn vị bảo trợ này chính là các cơ quan cung cấp kinh phí triển khai các nhiệm vụ khoa học của Cơ quan. Hội đồng quản trị họp 1 năm 2 lần: đầu năm (đề ra mục tiêu đầu năm) và cuối năm (đánh giá mục tiêu). Cơ quan có bộ máy hành chính đứng đầu là Giám đốc. Cơ quan cũng có 01 Hội đồng khoa học với chức năng đánh giá chất lượng khoa học của các công trình nghiên cứu và xét xem, quyết định cấp kinh phí cho nhà nghiên cứu tiến hành hoạt động nghiên cứu. Hội đồng khoa học gồm 20 người, do Hội đồng quản trị chọn theo đề cử của Giám đốc. Hội đồng khoa học xác định chương trình, chủ đề nghiên cứu của năm; quyết định phân bổ ngân sách cho từng dự án; quyết định kinh phí để tổ chức hội thảo, in ấn… Ngân sách cấp cho hoạt động nghiên cứu hàng năm vào khoảng 500.000 euro đến 700.000 Euro.
 

 
Các chủ đề, lĩnh vực nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu luật và Tư pháp rất đa dạng, bao phủ các lĩnh vực pháp luật, tư pháp. Kết quả nghiên cứu được công bố, xuất bản, phổ biến qua mạng internet… Cơ quan cũng bảo trợ cho một số giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho các nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ có chất lượng cao.

3. Tại buổi thăm và làm việc với Viện Nghiên cứu cao cấp về pháp luật (IHEJ), Đoàn công tác đã được Bà Sarah Albertin, Phụ trách chương trình “Điều tiết Toàn cầu hoá” của Viện Cao cấp Nghiên cứu Pháp luật (IHEJ) giới thiệu hoạt động của IHEJ và quy trình nghiên cứu trong lĩnh vực luật và tư pháp. Viện Cao cấp Nghiên cứu Pháp luật do Thủ tướng Lionel Jospin thành lập từ năm 1994. Viện nghiên cứu cao cấp về pháp luật bao gồm: 01 Tổng thư ký; Hội đồng quản trị Viện (gồm Chủ tịch của Tòa Phá án; Chủ tịch tham chính viện; Chủ tịch Hội đồng hiến pháp; Chủ tịch Kiểm toán nhà nước), thay phiên nhau làm chủ tịch của Hội đồng quản trị.
 

 
Viện nghiên cứu cao cấp về pháp luật tập trung nghiên cứu các chủ đề rất mới và mang tính thời sư như toàn cầu hóa, chiến tranh thương mại, hoạt động kinh tế “con đường tơ lụa” hoặc “1 vành đai, 1 con đường” của Trung Quốc,  Brexit, các nghiên cứu liên quan tới thẩm phán, mối quan hệ giữa thẩm phán với báo chí/truyền thông; vấn đề khủng bố; luật hình sự quốc tế, vấn đề chuyển đổi số, tư pháp số…

Cũng tại buổi làm việc, Đoàn Công tác được các thành viên nghiên cứu của Viện chia sẻ, trao đổi về các nghiên cứu mới nhất về luật hình sự quốc tế (xét xử các tội phạm chiến tranh, diệt chủng); về trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật v.v.

4. Tại buổi làm việc với Tham Chính viện (Conseil d’Etat), Đoàn Công tác được Ông Rémi Bouchez, Phó Chủ nhiệm Ban Tài chính giới thiệu về Tham Chính viện và công tác tư pháp và cố vấn của Tham chính viện. Tham chính viện được coi là Tòa hành chính tối cao của Pháp. Tham Chính viện thực hiện 02 chức năng chính: (i) Giải quyết tranh chấp hành chính giữa tổ chức, cá nhân và nhà nước và (ii) Tư vấn cho Chính phủ trong quá trình làm luật (Thông qua hoạt động Thẩm định). Tham chính viện có khoảng 300 công chức, nhưng chỉ có 200 người hoạt động thường xuyên tại Tham Chính viện. Số còn lại được đưa đi biệt phái để giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy hành chính nhà nước ở các cơ quan trung ương của Pháp (thường giữ cương vị Vụ trưởng Vụ pháp chế của các bộ). Phần lớn công chức của Tham Chính viện được đào tạo ở Học viện Hành chính Quốc gia (ENA). Công chức làm việc tại Tham chính viện được chia thành 03 nhóm: công chức tập sự, công chức tham vấn và công chức cao cấp. Tham chính viện được chia thành 06 ban, trong đó 05 ban có chức năng hành chính (nội vụ, tài chính, công chính, xã hội và nghiên cứu) và 01 ban có chức năng tài phán. Các vụ án thuộc thẩm quyền của Tham chính viện bao gồm: Khiếu kiện đối với Nghị định và sắc lệnh; khiếu kiện đối với những văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng và các văn bản áp dụng pháp luật; khiếu kiện đối với những văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi áp dụng vượt ra ngoài quản hạt của một Tòa án hành chính sơ thẩm; khiếu kiện đối với những quyết định hành chính của cơ quan đại diện của Cộng hòa Pháp ở nước ngoài; khiếu kiện về hậu quả quyết định của các cơ quan hành chính; khiếu kiện về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản hành chính và khiếu kiện về việc bầu cử đại biểu Hội đồng vùng và thành viên Nghị viện Châu Âu.
 

 
Tại buổi làm việc, Ông Rémi Bouchez cũng giới thiệu về hoạt động thẩm định văn bản luật được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trước khi trình Chính phủ trình Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua.

5. Tại buổi làm việc với Ban Hợp tác Quốc hội và công tác quốc tế, quốc phòng, Quốc hội Cộng hòa Pháp, Đoàn Công tác đã được Bà Marie Vigouroux, Trưởng ban Hợp tác Quốc hội và công tác quốc tế, quốc phòng, giới thiệu về Lịch sử, chức năng, nhiệm vụ và quá trình xây dựng pháp luật tại Quốc hội Cộng hòa Pháp. Quốc hội Cộng hòa Pháp là quốc hội lưỡng viện, trong đó hạ viện (gồm 577 đại biểu) và thượng viện (hiện có 343 đại biểu). Hạ viện (National Assembly) có nhiệm kỳ 5 năm. Hạ viện Pháp có 8 ủy ban thường trực với số lượng đại biểu như nhau, các ủy ban này có vai trò rất quan trọng trong hoạt động xây dựng luật. Mọi dự án luật trước khi được xem xét, thảo luận ở Hội trường trong phiên họp toàn thể đều phải được xem xét, cho ý kiến ở ủy ban. Bà Marie Vigouroux cũng nhấn mạnh mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ trong quá trình làm luật, cách bố trí thời gian, chương trình làm việc của Quốc hội trong 9 tháng hoạt động của Quốc hội (kỳ họp Quốc hội hàng năm bắt đầu vào thứ Ba đầu tiên của tháng 10, kết thúc vào cuối tháng 6 năm kế tiếp, ngoài ra có thể tổ chức kỳ họp bất thường).
 



 
6. Tại buổi làm việc với Hội đồng Hiến pháp, Đoàn Công tác được Bà Dominique Lottin, 01 trong 09 thành viên của Hội đồng giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và thực tiễn hoạt động của Hội đồng Hiến pháp. Hội đồng Hiến pháp (Conseil constitutionel) là một thiết chế đặc biệt, độc lập với nghị viện, có thể đưa ra các quyết định mang tính chất ràng buộc đối với các cơ quan và toà án. Hội đồng Hiến pháp không chỉ thuần tuý là việc kiểm tra những dự luật trước khi được ban hành mà xem xét cả tính hợp hiến của các đạo luật đã được ban hành. Hội đồng bao gồm những 9 thành viên chính có nhiệm kỳ 9 năm do Tổng thống giới thiệu 03 thành viên, Chủ tịch Thượng viện giới thiệu 03 thành viên, Chủ tịch Hạ viện giới thiệu 03 thành viên, ngoài ra tất cả các Tổng thống Pháp mãn nhiệm đều là thành viên đương nhiên của Hội đồng Hiến pháp. Quyết định của Hội đồng Hiến pháp mang tính ràng buộc đối với các bên liên quan. Một đạo luật, hoặc một điều khoản mà Hội đồng Hiến pháp tuyên vi hiến không thể được ban hành hoặc thực thi.
 

 
Ngày 16/7/2019, Đoàn Công tác đã hoàn thành nhiệm vụ và trở lại Việt Nam./.