Nâng cao chất lượng thẩm định của Bộ Tư pháp: Cần cân nhắc phạm vi thẩm định

20/12/2007
Hôm qua (19/12), Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị khoa học và thực tiễn bàn về thực trạng của công tác thẩm định và đề xuất các phương hướng nhằm nâng cao chất lượng thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Rất nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia đến từ các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các bộ, ngành khác đã được lãnh đạo Bộ Tư pháp ghi nhận…

Chưa thể hiện hết “quyền lực”

Luật Ban hành VBQPPL năm 1996 lần đầu tiên đã quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc thẩm định các dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, nghị định trước khi trình Chính phủ xem xét quyết định. Và với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL năm 2002, cơ chế thẩm định đã được hình thành tương đối hoàn chỉnh. Bà Nguyễn Kim Thoa – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính, Bộ Tư pháp đánh giá, hoạt động thẩm định nhìn chung còn chậm so với yêu cầu. Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do các cơ quan soạn thảo thường gửi VB yêu cầu thẩm định quá gấp, phần khác là trong nhiều trường hợp, cán bộ công chức “quên” mất VB yêu cầu thẩm định được phân công. Cũng theo bà Thoa, chất lượng các VB thẩm định không đồng đều, một số VB thẩm định chất lượng còn chưa cao. Trên thực tế, VB thẩm định của Bộ Tư pháp không nêu đầy đủ 8 vấn đề được pháp luật quy định, mà chủ yếu đề cập đến sự cần thiết ban hành; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự án, dự thảo; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của VB với hệ thống pháp luật. Hơn nữa, nhiều VB yêu cầu thẩm định có tính chất chuyên ngành sâu trong khi cán bộ thẩm định lại không được đào tạo một cách cơ bản về lĩnh vực chuyên môn đó.

Theo ông Nguyễn Đại Đồng - Vụ trưởng Vụ Lao động Việc làm, Bộ LĐTB&XH, trong thời gian qua, công tác thẩm định của Bộ Tư pháp đã dần đi vào nền nếp, trở thành một công đoạn bắt buộc trong quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL. Tuy nhiên, một số VB thẩm định của Bộ Tư pháp không nhắc tới tính khả thi của dự án, dự thảo hoặc nếu có thì còn nêu chung chung và thiếu lập luận, không chỉ rõ ra những lỗi cần phải sửa nên gây khó khăn cho Bộ LĐTB&XH trong tiếp thu ý kiến thẩm định. Ông Đồng cũng cho rằng, sự phối hợp giữa cơ quan soạn thảo VB và cơ quan thẩm định còn hạn chế. Cơ quan thẩm định hầu như không yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo cung cấp thông tin hay giải trình về nội dung của dự án, dự thảo, trừ việc cử thành viên tham gia vào Ban soạn thảo, Tổ biên tập của dự án, dự thảo khi được yêu cầu.

Ông Đinh Dũng Sỹ - Phó Trưởng ban Xây dựng pháp luật, Văn phòng Chính phủ thẳng thẳn nhận xét, mặc dù cho ý kiến thẩm định là một thẩm quyền rất lớn của Bộ Tư pháp trong hoạt động xây dựng pháp luật nhưng Bộ Tư pháp đã chưa thể hiện được hết quyền lực của mình trong hoạt động này. Ông Sỹ lý giải, về phía Bộ Tư pháp, đó là còn có tình trạng ý kiến thẩm định chất lượng chưa cao; thời gian thẩm định nhiều khi không đúng quy trình, có những dự án, dự thảo đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét rồi Văn phòng Chính phủ mới nhận được ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; sau khi cấp ý kiến thẩm định, ít quan tâm đến “số phận” của nó; không kiên quyết đôí với những vi phạm, nhất là những vi phạm liên quan đến thẩm định của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc thực hiện quy trình theo luật định (cơ quan soạn thảo không gửi xin ý kiến thẩm định, không có báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến thẩm định mà dự án, dự thảo vẫn được trình ra Chính phủ, Thủ tướng, thậm chí được thông qua hoặc ban hành song Bộ Tư pháp cũng không phản ứng gì).

Đi tìm giải pháp

Đại diện Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp kiến nghị phải điều chỉnh lại phạm vi nội dung thẩm định theo hướng tập trung vào những nội dung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thế mạnh về chuyên môn của Bộ, không quá dàn trải như pháp luật hiện hành. Về cơ bản, thẩm định của Bộ Tư pháp chỉ nên đề cập nhiều nhất vào phần tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự án, dự thảo với hệ thống pháp luật, còn tính khả thi của dự án, dự thảo phải do chính cơ quan soạn thảo chịu trách nhiệm. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc xem xét, theo dõi mức độ tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đối với các dự án, dự thảo như quy định cơ chế báo cáo trực tiếp trước tập thể Chính phủ và cả trước Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp có ý kiến khác nhau cơ bản giữa cơ quan thẩm định và cơ quan soạn thảo.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định, ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp lại cho rằng nên tiếp tục hoàn thiện thể chế và trước hết là thể chế nội bộ Bộ Tư pháp. Theo ông Sơn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể và cần thiết ban hành một số quy định nhằm quy định rõ hơn, cụ thể hơn các vấn đề như trách nhiệm cử đại diện có trình độ chuyên môn phù hợp tham gia các hoạt động nghiên cứu dự án, dự thảo; nguyên tắc tổ chức phân công phối hợp thẩm định, trách nhiệm của chuyên viên tham gia tại các đơn vị chuyên trách tham gia thẩm định; trách nhiệm của các thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ trong việc bố trí và tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, tư liệu, tài liệu cho chuyên viên được giao tham gia thẩm định… Ông Sơn kết luận, có như vậy mới khép kín và đảm bảo hoàn thiện cơ chế thẩm định và là cơ sở thực hiện tốt nguyên tắc chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ theo quy chế.

Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính đề xuất, thực hiện cải cách hành chính trong công tác thẩm định theo hướng đơn giản về hồ sơ thủ tục, tập trung thẩm định những vấn đề quan trọng hoặc còn có ý kiến khác nhau nhằm rút ngắn thời gian thẩm định. Các giải pháp được đưa ra là giảm tối đa số lượng hồ sơ gửi thẩm định, nghiên cứu áp dụng những tiện ích của công nghệ thông tin trong việc gửi hồ sơ thẩm định, đa dạng các hình thức, phương thức tiến hành thẩm định từ qua con đường hành chính (gửi hồ sơ thẩm định), đến làm việc giải trình trực tiếp, làm việc nhóm với chuyên gia… Không những thế, cần xây dựng quy trình quan hệ phối hợp mẫu để các bộ, ngành nghiên cứu ban hành quy chế áp dụng phù hợp với thực tế bộ, ngành mình.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã thống nhất các đề xuất, kiến nghị của các đại biểu thành một số giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm nâng cao chất lượng công tác thẩm định, tăng cường uy tín cho Bộ nói riêng và toàn ngành Tư pháp nói chung. Về các giải pháp trước mắt, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đưa ra 6 nội dung. Cụ thể là, tăng cường sinh hoạt tư tưởng, giáo dục nhận thức coi trọng hoạt động thẩm định là một mảng không thể thiếu trong công tác xây dựng pháp luật; xây dựng cơ chế phối hợp trách nhiệm chặt chẽ và kỷ luật giữa cơ quan thẩm định và cơ quan soạn thảo; thành lập Hội đồng thẩm định thường trực đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị định, tổ chức hội nghị tư vấn đối với các VB khác; xây dựng quy trình thẩm định mang tính chuyên môn cao; xây dựng và áp dụng một bố cục VB thẩm định mẫu về nội dung; tăng cường cán bộ, nguồn lực theo nhiều hướng. Còn về lâu dài, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên hoàn toàn đồng tình với các đại biểu là phải sửa đổi pháp luật về công tác này.

Box 1: 8 nội dung thẩm định của Bộ Tư pháp: sự cần thiết ban hành; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự án, dự thảo; sự phù hợp của nội dung dự án, dự thảo đối với đường lối chủ trương, chính sách của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của VB với hệ thống pháp luật; tính khả thi của VB; việc tuân thủ thủ tục và trình tự soạn thảo; ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo VB; sự phù hợp của nội dung dự án, dự thảo với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Box 2: Theo thống kê của Viện Khoa học pháp lý, tính đến ngày 30/11/2007, tổng số công văn thẩm định của Bộ Tư pháp là 315 công văn, trong đó công văn thẩm định VBQPPL chiếm 96,5% với 34 lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau. Nhiệm vụ chủ trì soạn thảo công văn thẩm định tập trung vào 3 Vụ Pháp luật (Dân sự - Kinh tế, Hình sự - Hành chính, Quốc tế), riêng 2 đơn vị đầu thẩm định 80,9% tổng số VB.

Hoàng Thư