Ngày 9/5, Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật (THPL) về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) đã họp phiên thứ nhất với sự chủ trì của Cục trưởng Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi THPL Đặng Thanh Sơn.
Thực tiễn kiểm tra công tác THPL về XLVPHC trong 5 năm vừa qua cho thấy các Bộ, ngành, địa phương còn rất lúng túng, thiếu thống nhất trong quá trình triển khai, thực hiện: kiểm tra như thế nào, theo trình tự nào, thủ tục nào, áp dụng văn bản quy phạm pháp luật nào để kiểm tra? Các cơ quan tiến hành việc kiểm tra cũng như đối tượng được kiểm tra cũng tỏ ra lúng túng, không biết trách nhiệm của mình phải làm gì, đến đâu; các công việc liên quan đến sau kiểm tra là gì, có phải theo dõi, giám sát, đôn đốc việc thực hiện kết luận kiểm tra không, việc theo dõi, giám sát, đôn đốc việc thực hiện kết luận kiểm tra được thực hiện như thế nào?...
Về vấn đề xử lý kỷ luật đối với các hành vi vi phạm người có thẩm quyền trong thi hành công vụ, theo báo cáo, trong thời gian từ năm 2014 đến hết tháng 6 năm 2018, trên cả nước đã có 4.003 quyết định xử phạt VPHC bị khiếu nại, khởi kiện. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã tổng hợp và xác định được một số sai phạm phổ biến của người có thẩm quyền xử phạt như: xử phạt không đúng thẩm quyền, phạm vi, nội dung được giao; cố ý không ra quyết định xử phạt khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật… Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đã phải xử lý theo thẩm quyền một số vụ việc, trong đó có trường hợp người có thẩm quyền xử lý vụ việc VPHC thực hiện việc xử phạt VPHC không chính xác gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của công dân, doanh nghiệp.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế nêu trên là do trong điều kiện hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về trình tự, thủ tục kiểm tra và xử lý kỷ luật trong THPL về XLVPHC. Do vậy việc xây dựng và ban hành Nghị định của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong THPL về XLVPHC là rất cần thiết.
Đại diện Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an cho rằng để các quy định của Dự thảo Nghị định đảm bảo phù hợp, hiệu quả khi triển khai trong thực tiễn, cần làm rõ mối quan hệ giữa hoạt động kiểm tra với thanh tra; làm rõ mối liên hệ giữa cơ chế kiểm tra trong XLVPHC với công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước khác. Từ đó, phân cấp rõ thẩm quyền giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành khác để tránh chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra cũng như tránh chồng chéo về thẩm quyền, phạm vi kiểm tra. Còn về vấn đề xử lý kỷ luật trong THPL về XLVPHC, TS. Dương Thị Thanh Mai nhấn mạnh dự thảo Nghị định cần đảm bảo tính đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực XLVPHC cùng các quy định của Luật cán bộ, công chức, Luật Viên chức.
Về căn cứ kiểm tra được quy định tại Điều 6 dự thảo Nghị định, nhiều ý kiến cho rằng cần căn cứ vào các dấu hiệu vi phạm pháp luật XLVPHC thông qua nhiều hình thức như: phát hiện trực tiếp, qua phương tiện thông tin đại chúng, qua đơn thư khiếu nại… Đồng thời làm rõ căn cứ để tiến hành kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất.
Về trình tự, thủ tục ra kết luận kiểm tra, hiện nay, Điều 13 dự thảo Nghị định chỉ quy định về việc ra kết luận kiểm tra “đơn phương” từ phía cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, không có sự trao đổi, thống nhất trước với đối tượng kiểm tra. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định thêm thủ tục trao đổi, thống nhất trước khi ban hành kết luật kiểm tra chính thức nhằm tạo điều kiện cho đối tượng kiểm tra được giải trình thêm các nội dung trong dự thảo kết luận kiểm tra.
Liên quan tới nội dung này, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Tạ Thị Tài cho rằng nên gửi dự thảo kết luận kiểm tra cho đối tượng bị kiểm tra để họ giải trình trước khi ra kết luận kiểm tra chính thức. Chung quan điểm, nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhận định việc gửi dự thảo kết luận cho đối tượng bị kiểm tra là rất cần thiết, không những để họ giải trình, bổ sung, làm rõ các thông tin cần thiết mà còn góp phần đề cao tính dân chủ, khách quan.
Kết luận cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi THPL Đặng Thanh Sơn khẳng định việc xây dựng Nghị định xuất phát từ yêu cầu thực tế để có thêm công cụ pháp lý nhằm triển khai, nâng cao hiệu quả quản lý cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt VPHC. Ngoài ra, hiện vẫn chưa có văn bản nào quy định thống nhất về kiểm tra trong quản lý nhà nước, trong khi đó, mỗi năm có hàng chục triệu vụ xử phạt VPHC, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích cá nhân, tổ chức nên việc xây dựng và ban hành Nghị định là rất cần thiết. Ông Sơn nêu rõ, Nghị định sẽ quy định rõ căn cứ, trình tự, thủ tục kiểm tra, hình thức xử lý kỷ luật trong THPL về XLVPHC, trong đó áp dụng tinh thần của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức.
Hồng Lê