Bước khởi sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật Quý I năm 2019

25/03/2019
Trong Quý I năm 2019, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có những chuyển biến tích cực. Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật; đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2018-2021” và Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022; chuẩn bị nội dung, điều kiện để báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ về tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư khoá IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
Công tác xây dựng, ban hành Kế hoạch công tác được thực hiện chủ động, sớm hơn năm 2018 nhằm tạo cơ sở cho việc triển khai nhiệm vụ đồng bộ, thống nhất, hiệu quả. Theo thống kê, sau khi Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 3121/QĐ-BTP ngày 28/12/2018 ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2019 và tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2019, tính đến 18/3/2019, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện; hơn 20 Bộ, ngành, đoàn thể trung ương đã ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2019 (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động- Thương binh và xã hội, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Trung ương Hội cựu chiến binh, Ủy ban dân tộc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trung ương Hội luật gia Việt Nam). Bên cạnh đó, có 19/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành Kế hoạch tổng kết 05 năm thi hành Luật hòa giải ở cơ sở, Công văn chỉ đạo thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; 08/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành văn bản chỉ đạo riêng hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2019.
Ba tháng đầu năm 2019, nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các địa phương tích cực triển khai như: Ký kết Chương trình phối hợp về PBGDPL giữa Sở Tư pháp với các cơ quan, tổ chức liên quan tại địa phương (An Giang, Bạc Liêu, Tây Ninh, Gia Lai, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Lai Châu…); tổ chức Hội nghị giới thiệu văn bản pháp luật mới cho các đối tượng (An Giang, Bạc Liêu, Bắc Kạn, Đắk Nông, Hà Nam, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Hà Giang, Hà Nam, Quảng Bình, Đồng Nai, Gia Lai…), Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác hòa giải tranh chấp đất đai (Sóc Trăng), Hội nghị tập huấn nghiệp vụ kết hợp giải đáp khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Sơn La…), Hội thảo về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (Hà Giang). Một số địa phương tiếp tục duy trì có hiệu quả mô hình sinh hoạt “Ngày pháp luật” hàng tháng (An Giang, Bình Phước…); tổ chức phổ biến pháp luật cho đối tượng đặc thù như: đồng bào dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng (Gia Lai…); tổ chức Cuộc thi hòa giải viên giỏi năm 2019 (Bình Định); biên soạn tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật (Kiên Giang, Cà Mau…).
Theo Kế hoạch công tác, trong Quý II năm 2019, các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ triển khai nhiều hoạt động về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với hình thức phong phú, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm năm 2019./.
 
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật