Sáng ngày 28/2/2019, được sự ủy quyền của Lãnh đạo Bộ, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế chủ trì buổi tiếp và làm việc với đoàn đại biểu đến từ nước Cộng Hòa Malta do ông John Aquilina, Đại sứ của Malta tại Việt Nam làm trưởng đoàn. Các thành viên khác trong đoàn đến từ các cơ quan và tổ chức khác nhau của Malta như: cơ quan kế hoạch và môi trường Malta; cơ quan quản lý thông tin, truyền thông và du lịch Malta; một số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ Blockchain và Bất động sản của Malta.
Về phía Bộ Tư pháp, ngoài Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế - ông Nguyễn Thanh Tú và một số chuyên viên của Vụ, còn có đại diện của một số đơn vị như Vụ Hợp tác quốc tế, Văn phòng Bộ, Cục Quản lý Xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật.
Chương trình của buổi làm việc được chia làm hai phần. Phần thứ nhất là: trao đổi về các khía cạnh pháp lý của công nghệ Blockchain; Phần thứ hai: Giới thiệu về nước Cộng hòa Malta. Ở phần đầu của buổi làm việc, ông Anton Dalli, chuyên gia về Blockchain của Malta đã có bài trình bày về khung khổ pháp lý điều chỉnh công nghệ sổ cái phân tán dựa trên công nghệ Blockchain và tài sản mã hóa (Crypto Currency) của Malta. Theo ông Dalli, Malta là một trong những quốc gia đầu tiên ban hành văn bản pháp lý dành cho Blockchain và tài sản mã hóa; hiện Malta đã ban hành Luật Tài sản Tài chính mã hóa (Virtual Financial Assets Act- VFAA)- có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2018. Luật này đã đưa ra khái niệm về “tài sản công nghệ sổ cái phân tán (Distributed Ledge Technology Assets- DLTA)” và phân loại thành 04 hình thức như sau: thẻ mã hóa -Virtual Token; tiền điện tử -Electric money; công cụ tài chính -Financial Instrument; tài sản tài chính mã hóa- Virtual Financial Assets (VFA)
[1]. Đối với mỗi loại tài sản số nêu trên, VFAA đều có định nghĩa cụ thể; tuy nhiên, Luật chủ yếu tập trung điều chỉnh đối với tài sản tài chính mã hóa –VFA. Theo đó, Luật quy định, “tài sản tài chính mã hóa là bất cứ hình thức lưu trữ giá trị trung gian nào được sử dụng như một trung gian giao dịch trong môi trường số; một đơn vị kế toán hoặc để lưu trữ giá trị mà không phải là một trong 03 loại tài sản công nghệ sổ cái phân tán khác theo luật định”
[2].
VFAA là các hệ thống các quy định nhằm quản lý hoạt động huy động vốn (ICO) thông qua tài sản tài chính mã hóa –VFA. Theo đó, có những quy định rất chặt chẽ về nghĩa vụ của người phát hành VFA (yêu cầu về bản cáo bạch và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư); vai trò của một chủ thể “mới” là trung gian là đại diện phát hành (VFA Agent) cũng như trình tự, thủ tục để cấp phép đối với hoạt động ICO.
Ngoài Luật Tài sản tài chính mã hóa – VFAA, để thúc đẩy Malta thành một quốc gia hàng đầu về công nghệ nói chung và Blockchain nói riêng, chuyên gia của Malta cũng cho biết, mới đây, Chính phủ Malta cũng đã ban hành 02 đạo luật khác là: Luật Dịch vụ và Cải tiển đổi mới công nghệ (the Innovative Technology Arrangements and Services Act) và Luật về cơ quan đổi mới kỹ thuật số của Malta (Malta Digital Innovation Authority Act). Ở phần sau của buổi làm việc, đại diện đến từ cơ quan quản lý truyền thông và du lịch Malta đã có bài thuyết trình giới thiệu chung về kinh tế, chính trị, văn hóa và du lịch của Malta.
Cuối buổi làm việc, thay mặt đoàn đại biểu Malta, ngài đại sứ John Aquilina đã cảm ơn sự đón tiếp của Bộ Tư pháp và mong muốn về những triển vọng hợp tác sắp tới giữa Bộ Tư pháp và Chính phủ Malta. Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cho rằng, buổi làm việc rất hiệu quả vì các chuyên gia của Malta đã có bài trình bày rất hữu ích, giúp Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế có thêm nhiều ý tưởng và các góc nhìn mới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giúp Bộ Tư pháp, Chính phủ nghiên cứu xây dựng khung khổ pháp lý dành cho Blockchain, tài sản mã hóa tại Việt Nam. Ông Tú cũng hy vọng rằng, trong thời gian sắp tới, sẽ có nhiều chương trình hợp tác hiệu quả trên mọi lĩnh vực giữa Việt Nam, Malta.
Tuấn Linh – Vụ PLDSKT
[1] mục 2 phần I về giải thích từ ngữ của VFAA