Một số kết quả đã đạt được về công tác bổ trợ tư pháp trong năm 2018

31/01/2019

Trong năm 2018, công tác xây dựng thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được quan tâm và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đã trình cơ quan có thẩm quyền ban hành 06 văn bản, gồm: Nghị định số 124/2018/NĐ-CP ngày 19/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật trọng tài thương mại (có hiệu lực thi hành từ ngày 19/9/2018); Nghị định số 137/2018/NĐ-CP ngày 05/10/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật luật sư (có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2018); Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; Thông tư số 02/2018/TT-BTP ngày 26/02/2018 của Bộ Tư pháp ban hành và hướng dẫn sử dụng một số biểu mẫu về tổ chức và hoạt động hòa giải thương mại (có hiệu lực thi hành từ ngày 20/4/2018); Thông tư số 14/2018/TT-BTP ngày 16/10/2018 ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên (có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2018); Quy chế phối hợp số 992/QCPH-BTP-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC ngày 26/3/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao về công tác giám định tư pháp.
Hiện nay, có 07 văn bản đang được tiếp tục xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành gồm: (1) Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (Nghị định thay thế Nghị định số 61/2009/NĐ-CP; Nghị định số 135/2013/NĐ-CP); (2) Dự thảo Đề án tăng cường năng lực cho trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư phục vụ hội nhập quốc tế; (3) Dự thảo Đề án đẩy mạnh xã hội hóa giám định tư pháp trong một số lĩnh vực; (4) Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp; (5) Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 10/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp về nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư; (6) Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2015/TT-BTP ngày 15/6/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật công chứng; (7) Về đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật giám định tư pháp.
Bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, việc triển khai các văn bản, đề án được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, ngày càng sâu sát hơn đối với địa phương, cơ sở, trong đó có việc tổ chức thành công Đại hội đại biểu công chứng viên toàn quốc lần thứ nhất thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam; sự ra đời của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam là kết quả của sự trưởng thành về mọi mặt của hoạt động công chứng Việt Nam. Đây là cơ hội để hoạt động công chứng Việt Nam tiếp tục hội nhập với hoạt động công chứng trên thế giới.
Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp được tăng cường hiệu lực, hiệu quả như: việc hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, giải quyết khó khăn, vướng mắc của địa phương, tổ chức và cá nhân về các lĩnh vực bổ trợ tư pháp được thực hiện một cách kịp thời; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được đẩy mạnh, tăng cường theo hướng giải quyết dứt điểm và quyết liệt đối với các vi phạm; việc xử lý thông tin, phản ánh báo chí được quan tâm chú trọng, không để tồn đọng; tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, nhất là đối với lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp để kịp thời chấn chỉnh, răn đe và phòng ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; tăng cường nắm bắt thông tin hoạt động về bổ trợ tư pháp qua các kênh phản ánh từ địa phương, các cá nhân, tổ chức hành nghề và từ báo chí, qua đó phản ứng kịp thời, hiệu quả đối với vấn đề phát sinh trong hoạt động bổ trợ tư pháp...
Ngoài các nhiệm vụ thường xuyên thì trong năm 2018, thực hiện Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31/8/2017 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2017, Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 3/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ (theo đó yêu cầu rà soát, đề xuất các phương án cải cách, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý: tối thiểu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh), Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1319/QĐ-BTP ngày 8/6/2018 về việc phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Để kịp thời ban hành các văn bản cắt giảm điều kiện kinh doanh thuộc thẩm quyền của Chính phủ, tính đến nay, Bộ Tư pháp đã tham mưu trình Chính phủ 02 dự thảo Nghị định (đạt tỷ lệ 100%), trong đó có 01 Nghị định đã được ban hành là  Nghị định số 124/2018/NĐ-CP ngày 19/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại để thực thi phương án cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực trọng tài thương mại.  
Tại Hội nghị triển khai công tác bổ trợ tư pháp năm 2019 được diễn ra vào sáng ngày 25 tháng 01 năm 2019, thay mặt Ban Cán sự, Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng ghi nhận những kết quả đã đạt được trong công tác bổ trợ tư pháp và biểu dương những nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, công chức Cục Bổ trợ tư pháp. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đã đề nghị tập thể Cục Bổ trợ tư pháp tiếp tục phát huy những thế mạnh, kinh nghiệm... nhất là trong việc xây dựng thể chế để trong năm 2019, công tác bổ trợ tư pháp có những điểm bứt phá hơn, đồng thời cần nghiên cứu, đổi mới cơ chế quản lý để hoạt động quản lý hiệu quả hơn trong bối cảnh xã hội hóa.