Kịp thời nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong công tác PBGDPL

16/01/2019
Kịp thời nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong công tác PBGDPL
Ngày 16/1, Bộ Tư pháp đã tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi “Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) có hiệu quả cho thanh, thiếu niên” và Cuộc thi “Sáng tác kịch bản tiểu phẩm pháp luật”. Các cuộc thi đã nhận được sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân với nhiều bài thi, công trình dự thi sáng tạo, công phu, tính ứng dụng cao.
Báo cáo tóm tắt kết quả các cuộc thi, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Ngô Quỳnh Hoa nêu rõ các cuộc thi đã được tổ chức bài bản, nghiêm túc, khách quan; thu hút được sự quan tâm hưởng ứng, tham gia khá đông đảo của người dân trong cả nước, trong đó nhiều người là thanh, thiếu niên, thành phần dự thi khá đa dạng. Qua đó góp phần phát huy vai trò của cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia PBGDPL cho thanh, thiếu niên.
Đối với cuộc thi “Sáng kiến, mô hình PBGDPL có hiệu quả cho thanh, thiếu niên”, nhiều bài thi có chất lượng tốt, có giá trị thực tiễn, tính ứng dụng, nhân rộng trong công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên. Hình thức thể hiện của các bài dự thi cũng phong phú, đa dạng, nhiều bài thi công phu, có tư liệu, tranh ảnh, video clips, mô hình minh họa… Kết quả cuộc thi là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước về PBGDPL tham khảo, đề xuất các giải pháp đa dạng hóa các hình thức PBGDPL; góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên.

Tuy nhiên, cuộc thi vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như số lượng người dự thi chưa đồng đều ở các địa phương, chưa thu hút được nhiều đối tượng là cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác PBGDPL, quản lý nhà nước về PBGDPL cho thanh, thiếu niên tham gia dự thi…
Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao 1 giải nhất cho nhóm tác giả “Sáng tạo trẻ” (Đoàn Thanh niên Trường ĐH Kỹ thuật – Hậu cần Công an nhân dân); 2 giải nhì cho tác giả Trần Ngọc Kiệt (Sở Tư pháp TP.HCM), Trịnh Tuấn Ngọc (Sở Tư pháp An Giang); 3 giải ba cho tác giả Nguyễn Hà An (Trung tâm nghiên cứu trách nhiệm xã hội), nhóm tác giả Lê Ngọc Thảo Vy, Nguyễn Thị Hoài Thương (Trường THPT chuyên Hùng Vương, Gia Lai), Lữ Mai Thanh Tùng (Sở Tư pháp Hà Nam); 15 giải khuyến khích và 3 giải phụ.
Cuộc thi “Sáng tác kịch bản tiểu phẩm pháp luật” cũng đã nhận được sự hưởng ứng, triển khai tích cực của nhiều địa phương, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia với sự đa dạng về vùng miền, độ tuổi, nghề nghiệp. Các kịch bản tiểu phẩm pháp luật dự thi có sự phong phú về nội dung, chủ đề, đặc biệt nhiều tác phẩm dự thi đã tiếp cận đến những vấn đề pháp lý bức thiết trong đời sống xã hội, phản ánh tình hình nhận thức, ý thức pháp luật của một bô phận người dân, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật nhưng đồng thời cũng tôn vinh, biểu dương những gương điển hình trong tuân thủ, chấp hành pháp luật.

Về hình thức thể hiện, ngoài xây dựng kịch bản theo yêu cầu chung về bố cục, một số tác phẩm dự thi thể hiện sự sáng tạo trong cách tạo tình huống, xây dựng tính cách điển hình nhân vật, lồng ghép với các hình thức nghệ thuật dân gian, nét văn hóa đặc trưng vùng miền…
Song, thẳng thắn nhìn nhận thì công tác truyền thông về việc tổ chức cuộc thi còn chưa kịp thời, sâu rộng; công tác hướng dẫn, chỉ đạo phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục; một số bài dự thi chất lượng còn hạn chế… Kết quả chung cuộc, Ban tổ chức đã trao 5 giải nhì, 10 giải ba, 30 giải khuyến khích cho các tác giả.

Vui mừng và vinh dự khi được đại diện cho nhóm “Sáng tạo trẻ” phát biểu tại lễ tổng kết và trao giải, tác giả Nguyễn Văn Thắng khẳng định việc Bộ Tư pháp tổ chức cuộc thi có ý nghĩa vô cùng thiết thực để tuyên truyền, kêu gọi và thu hút sự chú ý của cộng đồng xã hội, để mỗi tập thể, cá nhân tham gia có thể đóng góp các suy nghĩ, ý tưởng hoặc trao đổi thông tin, mô hình PBGDPL cho thanh, thiếu niên đã mang lại hiệu quả tốt nhằm chia sẻ, nhân rộng ra quy mô toàn quốc.

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới, tác giả đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, tổ chức các hội nghị, diễn đàn, cuộc thi viết, sáng tác… để tìm kiếm, nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả trong công tác PBGDPL trên quy mô toàn quốc. Ban Tổ chức cuộc thi và các đơn vị chức năng cần tiếp tục nghiên cứu các công trình, sản phẩm dự thi có chất lượng, đã đạt giải để ứng dụng vào thực tiễn công tác PBGDPL. Từ đó, có sự lãnh đạo, tác động nhằm giúp đỡ các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt hơn công tác này.
Đề cao tầm quan trọng của công tác thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc khẳng định thời gian qua, công tác PBGDPL được không ngừng đổi mới, triển khai đa dạng dưới các hình thức như tổ chức thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật, xây dựng các mô hình… Sau 6 tháng phát động, các cuộc thi đã thành công tốt đẹp và đạt nhiều kết quả tích cực với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, nhiều bài dự thi, công trình dự thi chất lượng, giàu tính sáng tạo, thực tiễn, tính ứng dụng cao. Đây sẽ là những “hạt giống đỏ” để góp phần nhân rộng các mô hình, cách làm hay, giúp công tác PBGDPL có sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp người dân hiểu, nắm bắt và thi hành pháp luật một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời.
Thời gian tới, Bộ Tư pháp mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp từ các cơ quan, đơn vị để tổ chức các cuộc thi tiếp theo đạt hiệu quả hơn, chất lượng hơn. Lãnh đạo Vụ PBGDPL khẳng định trong thời gian sớm nhất sẽ có các hình thức phù hợp để truyền tải nội dung các sáng kiến, mô hình hay đến với các cá nhân, tổ chức, để giúp công tác PBGDPL đi vào chiều sâu. Cùng với đó, hy vọng các cơ quan, đơn vị có tác giả đạt giải sẽ sử dụng mô hình, ý tưởng được tôn vinh vào công tác PBGDPL một cách hiệu quả tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. 
K.Quy