Ngày 19/12/2018 Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về “Phát huy vai trò cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trong việc xây dựng và thực thi pháp luật” nhằm trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp; phương hướng hoạt động của Câu lạc bộ trong thời gian tới để đảm bảo sự gắn kết giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp trình bày kết quả và tồn tại, hạn chế về sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhìn từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật. Từ đó, đại diện đơn vị phân tích nguyên nhân từ phía cơ quan nhà nước như một số cơ quan chưa coi trọng đúng mức việc lấy ý kiến và việc tiếp thu giải trình, phản hồi đầy đủ ý kiến thu được từ đối tượng chịu tác động trực tiếp, người dân, doanh nghiệp, thời gian gửi hồ sơ lấy ý kiến ngắn, gấp, chưa đúng quy định của Luật, nhiều trường hợp hồ sơ, tài liệu gửi lấy ý kiến không đầy đủ…, từ phía các doanh nghiệp như nhận thức về quyền và lợi ích của các doanh nghiệp trong quá trình xây dựng pháp luật chưa cao, khả năng tiếp cận, phân tích, đánh giá văn bản QPPL còn thấp, chỉ quan tâm đến pháp luật khi quy định đó có liên quan trực tiếp đến mình hoặc khi nảy sinh sự việc,… Đồng thời đưa ra một số giải pháp giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào quá trình xây dựng văn bản QPPL như tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh quy trình lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng pháp luật hợp lý hơn như tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, tóm tắt nội dung dự thảo dễ hiểu, kéo dài thời gian xin ý kiến, tăng cường trách nhiệm giải trình, tăng cường vai trò của các hiệp hội, câu lạc bộ như Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp làm cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước…
Về phía Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp, để thực hiện trách nhiệm của mình trong vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức các tọa đàm, diễn đàn pháp luật mang tính thời sự liên quan tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nên đã thu hút nhiều doanh nghiệp, cơ quan báo chí tham gia và đưa tin về tọa đàm, hội thảo. Thông qua hoạt động này, doanh nghiệp hội viên Câu lạc bộ có thể nói lên tiếng nói của mình, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước sửa đổi những chính sách không còn phù hợp hoặc gây nhiều bất lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi. Kết thúc mỗi tọa đàm, hội thảo Câu lạc bộ có báo cáo tổng hợp những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu tham dự gửi các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để nghiên cứu sửa đổi các quy định đã ban hành không còn phù hợp và hoàn chỉnh các Dự thảo Luật sắp ban hành. Ngoài ra Câu lạc bộ rất quan tâm tới các hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh và kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp và tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp.
Về phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, để thực hiện được hoạt động góp ý xây dựng pháp luật có chất lượng, thể hiện được tính đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp và cân bằng được các lợi ích, VCCI đã xây dựng quy trình góp ý hoàn chỉnh và được cấp chứng nhận ISO. Bên cạnh đó, VCCI tổ chức các cuộc khảo sát, các cuộc tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, trong đó có lồng ghép các nội dung tìm hiểu, đánh giá nhu cầu, những thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Trong năm 2018, bên cạnh việc lấy ý kiến bằng văn bản và ứng dụng công nghệ thông tin, Ban Pháp chế VCCI đã tổ chức gần 14 hội thảo tại Hà Nội và 9 hội thảo tại các địa phương, thu nhận được rất nhiều ý kiến tham luận, với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia Việt Nam và nước ngoài, các cơ quan nhà nước, cơ quan báo chí.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp phát biểu ý kiến rất sôi nổi và kiến nghị nhiều cách thức để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia quá trình xây dựng và thực thi pháp luật. Qua Hội nghị này, một số doanh nghiệp hiểu rõ hơn về vai trò cầu nối của Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp, từ đó sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Câu lạc bộ cũng như VCCI để có thể đóng góp ý kiến giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, doanh nghiệp.