Phiên họp Ban Thư ký Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương

18/12/2018
Phiên họp Ban Thư ký Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương
Sáng 18/12, Phiên họp Ban Thư ký Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương đã được tổ chức tại Bộ Tư pháp. Ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng chủ trì phiên họp.
Báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, địa phương năm 2018, bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL cho biết: Trước yêu cầu mới của công tác PBGDPL, Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp đã dần đi vào nề nếp, hoạt động có hiệu quả hơn; vai trò tư vấn, định hướng công tác PBGDPL của Chủ tịch Hội đồng và các thành viên, cơ quan thường trực Hội đồng đã được phát huy và nâng cao trách nhiệm; nhiệm vụ tham mưu, tổ chức và hướng dẫn hoạt động PBGDPL đã được thực hiện có kế hoạch, thường xuyên, liên tục, có kiểm tra, giám sát và khen thưởng kịp thời. Công tác phối hợp triển khai các hoạt động PBGDPL ngày càng chặt chẽ hơn, trách nhiệm được nâng lên thông qua việc ký kết triển khai các chương trình phối hợp, bước đầu huy động được các nguồn lực xã hội tham gia gắn với khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.
Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp đã bám sát nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Kế hoạch công tác và nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương; thực hiện tốt chức năng tư vấn, tham mưu triển khai công tác PBGDPL mang lại nhiều kết quả tích cực với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, mô hình sáng tạo góp phần nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL. Qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm trong tôn trọng, chấp hành Hiến pháp, pháp luật, tạo thói quen tự giác học tập pháp luật trong xã hội. Việc tổ chức thực hiện các Đề án đã được triển khai thống nhất từ Trung ương tới địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác PBGDPL.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của Hội đồng vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Việc xây dựng, ban hành Kế hoạch PBGDPL; Kế hoạch hoạt động của Hội đồng ở một số địa phương còn ban hành chậm, thiếu tính chủ động; tính chất tư vấn của Hội đồng vẫn chưa được phát huy nhiều; chương trình, đề án về PBGDPL nhiều, mục tiêu lớn nhưng thiếu nguồn lực bảo đảm, nhất là tại các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách; chính sách xã hội hóa công tác PBGDPL chưa thu hút được nguồn lực tham gia hỗ trợ, tài trợ. Hội đồng PBGDPL Trung ương còn chưa tư vấn được các giải pháp căn cản bản có tính chiến lược cho công tác PBGDPL; chưa tư vấn được các giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn khó khăn trong công tác PBGDPL.  Hội đồng địa phương một số nơi hoạt động còn hình thức, tư vấn về nội dung PBGDPL còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa sát với nhu cầu, chưa gắn với trách nhiệm học tập tìm hiểu pháp luật và hoạt động tập huấn nghiệp vụ của cán bộ, công chức. Một số hình thức PBGDPL chưa phù hợp với tính chất, đặc điểm của đối tượng đặc thù. Việc tuyên truyền, giải thích một số chính sách, quy định mới thiếu kịp thời...
Cơ bản thống nhất với các nội dung báo cáo, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, thương binh và xã hội đề xuất hoạt động của Hội đồng trong thời gian tới cần cụ thể hóa trong thời gian tới cần phải cụ thể hơn, phù hợp với nhu cầu thực tế và nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị; tuyên truyền không chỉ tập trung vào việc phê phán, lên án các hành vi xấu mà còn phải chú trọng biểu dương những tấm gương người tốt việc tốt để nhân dân học tập và noi theo. Ông Bốn cũng đề xuất một số vấn đề cần tập trung tuyên truyền, phổ biến trong năm 2019 như: các nội dung của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cuộc các cách mạng 4.0, thông tin về cải cách hành chính, tinh giảm biên chế, phòng chống tham nhũng…
Ông Lê Trọng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ thì lưu ý cần rà soát lại một số việc trong chỉ đạo thực hiện PBGDPL ở cơ sở đến nay có thể không còn phù hợp thì phải loại bỏ như mô hình tủ sách pháp luật nhiều nơi không hoạt động, chi phí cho hòa giải cơ sở quá thấp… Đồng thời, ông Vinh đề nghị quan tâm tới việc PBGDPL thông qua đối thoại giữa chính quyền với nhân dân – một hình thức phổ biến mà theo ông là rất hiệu quả trên thực tế. Bên cạnh đó, ông Vinh nhấn mạnh cần xác định rõ ràng đối tượng cần PBGDPL không chỉ là nhân dân mà cả hệ thống cơ quan hành chính, chủ thể của rất nhiều Luật như Luật phòng chống tham nhũng, Luật khiếu nại, Luật tố cáo…

Song song với việc cho ý kiến về các dự thảo báo cáo, văn bản, các đại biểu tham dự cuộc họp còn tập trung thảo luận về chuẩn bị nội dung tổ chức phiên họp của hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương vào tháng 12/2018.