Sáng 17/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo Sơ kết 5 năm thực hiện kế hoạch triển khai quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tư pháp giai đoạn 2011-2020 và dự thảo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tư pháp năm 2019. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Quang Thái chủ trì Hội thảo.
Báo cáo tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Đỗ Kiên cho biết, Bộ Tư pháp đã xây dựng Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tư pháp giai đoạn 2011-2020 và đã được phê duyệt tại Quyết định số 358/QĐ-BTP (Quy hoạch PTNL) nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tư pháp đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, có cơ cấu hợp lý, có năng lực và trình độ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Để tiếp tục triển khai Quyết định số 358/QĐ-BTP thống nhất và hiệu quả, Bộ Tư pháp đã tập trung vào 10 nhiệm vụ, đặc biệt là tập trung giải quyết về thể chế, xây dựng các chương trình, dự án, đề án đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2013-2015 và giai đoạn 2016-2020; tổ chức nghiên cứu, biên soạn và in ấn các chương trình tài liệu đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức.
|
|
Qua 5 năm thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch PTNL ngành Tư pháp, Bộ Tư pháp đã quyết liệt thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có việc ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Tư pháp giai đoạn 2018-2020… Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ngày càng bám sát trọng tâm, trọng điểm cho từng đối tượng, gắn kết chặt chẽ hơn với quy hoạch nhân lực của Bộ, ngành và vị trí việc làm của các đơn vị, chú trọng đào tạo nhân lực phục vụ hội nhập quốc tế và định hướng đào tạo đội ngũ công chức, viên chức trẻ trở thành đội ngũ cán bộ chuyên gia của Bộ, ngành trong tương lai thông qua việc xây dựng và tổ chức thực hiện Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức trẻ có trình độ chuyên môn sâu của Bộ Tư pháp.
Kết quả, đã mở trên 50 lớp bồi dưỡng theo vị trí và nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho gần 9.000 lượt công chức, viên chức; từ năm 2015 - 2018 đã tổ chức 37 lớp cho 4.327 cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch tạo nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước… Riêng năm 2018, công tác, đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Tư pháp đã có nhiều đổi mới từ khâu xây dựng, ban hành kế hoạch đến cách thức tổ chức thực hiện đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, chất lượng và hoàn thành mục tiêu đề ra.
|
|
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Quang Thái khẳng định những kết quả đạt được trên đây là rất đáng trân trọng, có nhiều chuyển biến dù nguồn kinh phí hạn chế. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đáng chú ý là số lượng công chức trung bình cử đi học năm 2018 giảm so với năm 2017, việc triển khai một số lớp đào tạo bồi dưỡng chưa đạt kết quả theo yêu cầu, chương trình học tập, tài liệu còn hàn lâm, chưa thiết thực… Qua đó, ông Thái đề nghị đại diện các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục đưa ra ý kiến đóng góp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
|
|
Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác xây dựng chính sách, soạn thảo, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Chẳng hạn, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 và Nghị định số 34 về bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng, ban hành VBQPPL; có phương án bố trí, sử dụng cán bộ, công chức tham gia xây dựng chính sách, soạn thảo và thẩm định dự thảo VBQPPL; đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức tham gia xây dựng VBQPPL; nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo Bộ, ngành; cần có chính sách về lương cho cán bộ, công chức làm công tác xây dựng chính sách, soạn thảo và thẩm định.
Đồng tình với ông Đức, đại diện Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên cũng khẳng định chất lượng đội ngũ giáo viên là một trong những yếu tố quyết định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Để nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng có hiệu quả kết quả đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên, Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền đối với đội ngũ giáo viên về vai trò, hiệu quả của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ; đồng thời kiến nghị tăng cường hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho các trường trung cấp luật.
|
|
Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng đưa ra ý kiến về việc nghiên cứu triển khai các chương trình đào tạo trực tuyến đối với các cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng tài liệu chuyên môn, thiết thực dành riêng cho cán bộ, công chức, viên chức để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm khi gặp phải khó khăn, vướng mắc. Bộ Tư pháp cũng cần tiếp phục phối hợp với Học viện Tư pháp để đưa ra các lớp đào tạo có chất lượng tốt hơn nữa…
Phương Mai