Ngày 14/12/2018 tại TP. Hà Nội, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (viết tắt là Chương trình 585) đã phối hợp với Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đồng tổ chức bồi dưỡng, trao đổi với hơn 100 đại biểu đại diện các cơ quan, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và luật sư trên địa bàn TP. Hà Nội về thực tiễn các vướng mắc quy định pháp luật hợp đồng trong pháp luật chuyên ngành.
Luật sư, TS. Lê Ngọc Khánh – Công ty Luật TGS; Luật sư TS. Nguyễn Thị Ngọc Bích – Công ty Luật Advacas và Luật sư Hà Huy Sơn – Công ty Luật TGS đã trực tiếp trao đổi với các cơ quan, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và các luật sư về thực tiễn các vướng mắc quy định pháp luật hợp đồng trong pháp luật chuyên ngành. Theo đó, các quy định pháp luật về hợp đồng từ quy định chung (trong Bộ luật dân sự năm 2015) cho đến quy định chuyên ngành riêng (trong các Luật chuyên ngành và các văn bản dưới luật). Bên cạnh Bộ luật dân sự năm 2015, Luật Thương mại năm 2005 hiện đang song song tồn tại quy định các nội dung liên quan đến hợp đồng thương mại được triển khai trên trực tiễn hiện nay theo ý kiến của các doanh nghiệp, luật sư cần được thường xuyên được trao đổi, giải đáp vướng mắc để các cơ quan, tổ chức, Luật sư và doanh nghiệp thống nhất trong áp dụng pháp luật hợp đồng trong pháp luật chuyên ngành, vấn đề rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hệ thống pháp luật về hợp đồng trong pháp luật chuyên ngành được quy định tại các đạo luật như Bộ luật hàng hải Việt Nam, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Hải quan, Luật Trọng tài thương mại… Các quy định pháp luật về hợp đồng trong các văn bản pháp luật chuyên ngành trên ngày càng hướng tới việc bảo đảm quyền tự do của các chủ thể trong quan hệ hợp đồng, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện có rất nhiều vướng mắc, khó khăn khi thực thi các quy định này. Tại Lớp bồi dưỡng, trao đổi về các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi các đạo luật trên, theo các chuyên gia, luật sư cho thấy, pháp luật hợp đồng, cụ thể là pháp luật về hợp đồng thương mại hiện vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập khi áp dụng. Tình trạng thay đổi pháp luật quá nhiều quy định pháp luật hợp đồng chuyên ngành (ví dụ: chỉ riêng việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại ngân hàng, đã có 3 Thông tư hướng dẫn…), cộng với việc xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo, phức tạp gây ra rất nhiều bất cập, vướng mắc, phiền toái cho doanh nghiệp trong việc thi hành quy định pháp luật về hợp đồng hiện nay.
Tại lớp bồi dưỡng, qua trao đổi, các chuyên gia và đại biểu, luật sư, doanh nghiệp cũng đã chỉ rõ các thực trạng thực thi pháp luật hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo pháp luật chuyên ngành; thực trạng giao kết và thực hiện hợp đồng cung ứng dịch vụ thương mại trong pháp luật chuyên ngành… qua đó cũng đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị hướng hoàn thiện pháp luật và khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực hiện hợp đồng như sau:
Các quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn được đề cập tại lớp bồi dưỡng, trao đổi về quy định pháp luật hợp đồng trong pháp luật chuyên ngành, cụ thể là về việc xác định yếu tố nước ngoài, chủ thể, hình thức, ngôn ngữ của hợp đồng, nội dung của hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp, bồi thường thiệt hại… là một số trong nhiều quy định pháp luật hiện hành được coi là vướng mắc làm cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng. Vì vậy, đề nghị Bộ Tư pháp rà soát, thống kê và đề xuất sửa đổi các quy định này là cần thiết, tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Trong quá trình rà soát, thống kê và sửa đổi, cần lưu ý đến các quy định liên quan trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để đảm bảo tính nhất quán giữa pháp luật quốc gia với các cam kết quốc tế./.
Trần Minh Sơn
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp
Ảnh: Trần Thanh Tùng – Chương trình 585