Trong chuyến công tác tại Bộ Tư pháp Việt Nam, hôm nay -11/12, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lào tiếp tục làm việc với Bộ Tư pháp Việt Nam về công tác thi hành án dân sự. Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi chủ trì buổi làm việc với Đoàn công tác Lào. Các đơn vị có liên quan của hai Bên cùng tham dự.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lào Xẩm xuc Sim Phạ Vông cho biết, hiện nay, công tác THADS của Lào do Bộ Tư pháp Lào quản lý nhà nước. Trong các lĩnh vực mà Bộ Tư pháp Lào quản lý thì công tác THADS là lĩnh vực được người dân rất quan tâm. Để thực hiện tốt công tác này, cũng như nhằm chuẩn bị cho việc sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự của Lào trong thời gian sắp tới, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lào mong Bộ Tư pháp Việt Nam tiếp tục trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác THADS.
Chào mừng Đoàn công tác của Lào đến thăm và làm việc tại Bộ Tư pháp Việt Nam, Tổng cục trưởng Mai Lương Khôi tin tưởng buổi làm việc hôm nay sẽ giúp hai Bên chia sẻ, trao đổi được nhiều thông tin hữu ích về công tác THADS để góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tổng cục trưởng cũng thông tin cho Đoàn cán bộ tư pháp Lào về kết quả THADS của Việt Nam trong thời gian qua. Đồng chí cho biết, công tác THADS năm 2018 được Quốc hội Việt Nam đánh giá cao. Ở Việt Nam công tác THADS được tính từ ngày 01/10 năm trước đến hết 30/9 của năm kế tiếp. Kết thúc năm công tác, Bộ Tư pháp sẽ thực hiện tổng kết công tác này của 63 tỉnh thành/thành phố và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội vào cuối năm. Theo ông Mai Lương Khôi, THADS là khâu cuối cùng trong chuỗi hoạt động tố tụng nhưng hết sức quan trọng và đóng góp rất lớn trong hoạt động của các cơ quan tư pháp Việt Nam.
Đồng chí Mai Lương Khôi cũng cho biết thêm, ở Việt Nam, cơ quan thi hành án dân sự không thuộc quản lý của Tòa án từ năm 1993 mà do Chính phủ quản lý và độc lập với các cơ quan tư pháp khác là Công an, Kiểm sát, Tòa án. Do vậy, vấn đề phối hợp giữa các cơ quan này về công tác THADS là đặc biệt quan trọng. Việc phối hợp giữa 4 cơ quan đã được xác định trong các Luật tổ chức của từng ngành và được xác định cụ thể hơn trong luật THADS, đặc biệt là đối với trách nhiệm phối hợp của Tòa án và Viện kiểm sát – cơ quan gắn liền với công tác này. Cơ quan Kiểm sát có chức năng kiểm toàn bộ hoạt động THADS, Tòa án bên cạnh chức năng chính là xét xử còn có nhiệm vụ giải thích bản án, quyết định khi có văn bản của cơ quan THADS về nội dung chưa rõ hoặc đính chính khi có sai sót. Bên cạnh đó, Thủ trưởng các Bên đã ký Quy chế 4 ngành về công tác này vào năm 2013, xác định rõ nguyên tắc, nội dung, hình thức phối hợp. Trên cơ sở Quy chế này, các đơn vị thuộc 4 hệ thống tại 63 tỉnh/thành phố đã ký Quy chế phối hợp, tạo thuận lợi trong công tác THADS.
Ngoài ra ở địa phương còn có Ban chỉ đạo THADS do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch tỉnh/thành phố (cấp tỉnh/huyện) phụ trách nội chính, tư pháp làm Trưởng Ban chỉ đạo; thành viên là Thủ trưởng của các ngành liên quan như tư pháp, tài nguyên môi trường, tài chính, xây dựng… để tạo sự phối rộng rãi hơn.
Bên cạnh đó, đồng chí Mai Lương Khôi và các thủ trưởng một số đơn vị thuộc Tổng cục cũng chia sẻ một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung của Luật thi hành án dân sự Việt Nam cũng như thủ tục trình Chính phủ, Quốc hội và nhiều vấn đề khác có liên quan đến công tác THADS...
An Như