Hôm nay – 28/11, Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm phát động và hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018. Tọa đàm nhận được sự quan tâm, tham dự của đông đảo đại diện các đơn vị thuộc Bộ.
Tại Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hàng năm trên phạm vi toàn quốc theo Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 02/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020. Đây là năm thứ ba Bộ Tư pháp hưởng ứng, triển khai Tháng hành động. Đồng chí Nguyễn Quang Thái cho rằng, cần có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội dung, phạm vi, tác động của các chính sách về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời, phải đề cao trách nhiệm của từng cấp, từng ngành để chung tay hành động vì bình đằng giới có hiệu quả.
Bình đẳng giới là vấn đề được tất cả các đại diện tham dự Tọa đàm quan tâm và trao đổi, chia sẻ quan điểm về bình đẳng giới, bạo lực giới ở nhiều khía cạnh khác nhau. Trên thực tế có những hình thức bạo lực giới không chỉ gây đau đớn về thể xác mà có những hình thức bạo lực gây tổn thương về mặt tâm lý, tinh thần. Nhiều đại diện cho rằng, bạo lực giới, bạo lực gia đình không chỉ xuất phát từ định kiến giới, phân biệt giới, mà ngay ở góc độ tiếp cận cũng như quan điểm của phụ nữ và nam giới, nhiều chị em tự đặt ở thế yếu hơn và nhiều anh em tự đặt mình vào thế mạnh hơn, đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng và bạo lực không đáng có trong cuộc sống...
|
|
Bàn về giải pháp, có đại biểu cho rằng giải pháp đầu tiên là phải thay đổi nhận thức của tất cả mọi người về bình đẳng giới. Bên cạnh đó, yêu thương và tôn trọng cũng là một trong những giải pháp phòng, chống bạo lực giới. Bình đẳng giới cũng cần phải đặt trong bối cảnh văn hóa Việt Nam có điều chỉnh với các nước trong xu thế hội nhập cho phù hợp.
Ở góc độ pháp luật, để đảm bảo bình đẳng giới, trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã có đánh giá tác động về giới, có quy định nội dung về bình đẳng... và được thể hiện ở trong nhiều đạo luật như: Luật bình đẳng giới, Luật hôn nhân và gia đình, luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự...
Tại Tọa đàm, Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự-hành chính đã cùng trao đổi về chuyên đề bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Tình trạng bất bình đẳng giới và bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em vẫn còn diễn ra ở nhiều khu vực, cả thành thị, nông thôn và miền núi. Phụ nữ, trẻ em không chỉ là nạn nhân chính của bạo lực trong gia đình mà còn là đối tượng bị mua bán, xâm hại tình dục và chịu nhiều hình thức bạo lực ngoài phạm vi gia đình. Các nguyên nhân của tình trạng bạo lực trên cơ sở giới bắt nguồn từ sự bất bình đẳng giới, định kiến giới.
Do vậy, việc phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới phải là tổng hòa các giải pháp về nhận thức, tư tưởng, pháp luật... và sự chung tay hành động của tất cả các cấp, các ngành và của cộng động.
An Như
Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục... Chỉ tiêu nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 27,8% năm 2017, cao nhất khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân và xếp thứ 7/54 trong số các nước có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ. Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc hội nhiệm kỳ 2016 – 2021 là 27,2%, cao hơn mức 19% của Châu Á và 21% trung bình toàn cầu, được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng đứng thứ 97/144 quốc gia về tỷ lệ nữ tham gia chính trị; là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất trên toàn thế giới ở mục tiêu số 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái; nâng cao trình độ học vấn của trẻ em gái và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động.
|