Cục Công tác phía Nam: Tập huấn “Nghiệp vụ công tác xử lý vi phạm hành chính”

20/11/2018
Cục Công tác phía Nam: Tập huấn “Nghiệp vụ công tác xử lý vi phạm hành chính”
Vi phạm hành chính mang tính phổ biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội với những diễn biến ngày một đa dạng và hết sức phức tạp. Trước những quy định của pháp luật nước ta hiện nay, việc xử lý vi phạm hành chính vẫn còn gặp phải những khó khăn nhất định. Góp phần tìm ra giải pháp cho việc xử lý vi phạm hành chính được thực hiện một cách hiệu quả hơn. Vừa qua, vào ngày 16/11/2018, Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật (Trung tâm) Cục Công tác phía Nam – Bộ Tư pháp đã tổ chức Chương trình tập huấn “Nghiệp vụ công tác xử lý vi phạm hành chính” tại TP. Hồ Chí Minh.

Tham dự Chương trình, ông Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp; hai chuyên gia khách mời đồng thời là báo cáo viên, ông Lê Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp; ông Trương Khánh Hoàn, Trưởng phòng Pháp luật hành chính, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp và đặc biệt là sự tham gia đông đảo của hơn 300 học viên là các cán bộ, công chức, viên chức đến từ các sở, cơ quan, ban, ngành khu vực phía Nam và miền Trung – Tây nguyên.
Phát biểu khai mạc, Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết “Tổng kết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính từ năm 2014 đến 6 tháng đầu năm 2017 tổng số vụ vi phạm hành chính đã phát hiện là 36.789.227 vụ việc, theo đó, tổng số vụ việc đã xử phạt là 28.493.927 vụ việc (chiếm 77,45% số vụ vi phạm). Nhìn chung, tỷ lệ số vụ việc đã bị xử phạt so với tổng số vụ việc đã bị phát hiện có xu hướng ngày càng tăng (từ 66% vào năm 2014 đến 95% vào năm 2017). Tỷ lệ chấp hành các quyết định xử phạt qua các năm tương đối cao. Đối với các quyết định chưa thi hành, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn,  không có khả năng nộp phạt. So với các Pháp lệnh trước đây, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã khắc phục được những bất cập còn tồn tại. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng tình hình vi phạm hành chính đang ngày càng diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó, nổi bật bao gồm các lĩnh vực như giao thông; an toàn trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ môi trường; an toàn thực phẩm; kinh doanh; đất đai; xây dựng. Nguyên nhân vi phạm chủ yếu là do ý thức, hiểu biết về pháp luật của người vi phạm còn hạn chế; không có công việc ổn định, sự xuống cấp về đạo đức của một số bộ phận thanh thiếu niên và sự tác động đến từ  mặt trái của nền kinh tế thị trường mang lại”.
Đi vào phần nội dung, hai báo cáo viên lần lượt trình bày các chuyên đề về kỹ năng lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, kỹ năng soạn thảo và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các vấn đề có liên quan.
Theo ông Lê Thanh Bình: “Sau 05 năm triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, bên cạnh những điểm sáng mà Luật này mang lại so với các Pháp lệnh trước đây, thì vẫn còn tồn tại không ít những bất cập trong việc vận dụng quy định để giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn ngày càng đa dạng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối với nhiều vấn đề, việc đưa ra câu trả lời vẫn còn là quan điểm”.
Tiếp theo sau phần báo cáo của ông Lê Thanh Bình, “Hiện nay, việc các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có những sai sót trong áp dụng quy định pháp luật về các vấn đề như thời hạn, trình tự và thủ tục vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó, xử phạt vi phạm hành chính cũng là một “nghệ thuật”, trong nhiều trường hợp, quy định của pháp luật chỉ có thể ghi nhận một cách khái quát, định tính mà không thể định lượng. Bởi lẽ, việc cụ thể hóa một điều luật trong một số trường hợp đặc thù sẽ dễ dẫn đến việc phù hợp cho trường hợp này nhưng lại trở nên bất hợp lý với trường hợp khác. Vậy nên, lúc này các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải thật sự linh hoạt trong công tác hành nghề của bản thân”, ông Trương Khánh Hoàn cho biết.
Chương trình được xây dựng với hình thức báo cáo chuyên đề và thảo luận, giải đáp câu hỏi. Trong đó, phần lớn thời gian chủ yếu tập trung vào việc trao đổi, giải đáp các câu hỏi được tổng hợp do các cơ quan, đơn vị, cá nhân gửi về cho Ban Tổ chức qua hệ thống thư điện tử, cũng như giải đáp trực tiếp các câu hỏi do học viên đặt ra. Nhận được sự quan tâm nhiều nhất đến từ số đông các học viên là những vấn đề liên quan đến xử lý về trật tự xây dựng; cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức cố tình không thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan chức năng có thẩm quyền; trình tự, thủ tục xử lý; xác định mức xử phạt; tạm giữ tang vật, phương tiện hành chính; các vấn đề về thời hạn thi hành; hủy bỏ, thay thế, sửa đổi và ban hành quyết định mới.
Với những kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ; những thông tin được truyền đạt mang tính cập nhật cao của báo cáo viên cùng với sự tham gia đặt câu hỏi nhiệt tình của học viên. Chương trình đã nhận được những phản hồi tích cực thông qua khảo sát đánh giá, hoàn thành kế hoạch và đạt được mục tiêu do Ban Tổ chức đặt ra. Tuy nhiên, với thời lượng tổ chức trong vòng một ngày nhưng số lượng câu hỏi được gửi về vượt quá thời gian giải đáp của báo cáo viên nên với những câu hỏi chưa được trao đổi trực tiếp đã được Ban Tổ chức tổng hợp gửi đến báo cáo viên và sẽ phản hồi lại cho các cá nhân, đơn vị trong thời gian sớm nhất có thể.
Kết thúc Chương trình bồi dưỡng, các học viên đã được cấp Giấy Chứng nhận theo quy định./.
Duy Tồn