Tiếp tục hoàn thiện chính sách về theo dõi tình hình thi hành pháp luật

19/11/2018
Tiếp tục hoàn thiện chính sách về theo dõi tình hình thi hành pháp luật
Vừa qua, Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án Pháp luật 2020 - JICA đã tổ chức Tọa đàm “Khảo sát tình hình thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung” tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Tọa đàm do ông Hồ Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL và bà Tsukabe Takako - Cố vấn trưởng Dự án JICA tại Việt Nam đồng chủ trì. Tham dự Tọa đàm có đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Tham dự Tọa đàm, các đại biểu đã được nghe đại diện Cục QLXLVPHC&TDTHPL trình bày những vướng mắc, bất cập chủ yếu của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, cụ thể như: Pháp luật hiện hành quy định nhiều chủ thể thực hiện theo dõi thi hành pháp luật nhưng chưa quy định trách nhiệm pháp lý  ràng buộc các chủ thể này; phạm vi nội dung theo dõi thi hành pháp luật hiện nay quá rộng, không rõ ràng nên dẫn đến khó khăn, lúng túng cho các chủ thể thực hiện việc tổ chức theo dõi thi hành pháp luật; thiếu cơ sở pháp lý điều chỉnh các biện pháp, hình thức xử lý và thẩm quyền xử lý của Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp...
Tại Tọa đàm, đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk đã nêu một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị định 59/2012/NĐ-CP, cũng như đề xuất một số giải pháp khắc phục. Theo đó, trong Nghị định 59/2012/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung) cần quy định cụ thể thẩm quyền của UBND cấp tỉnh trong việc tiến hành theo dõi THPL theo thẩm quyền trên địa bàn; đồng thời quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn trong công tác theo dõi THPL tại địa phương; ban hành chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm quy định vể theo dõi thi hành pháp luật; quy định cụ thể về nội dung chi, định mức chi nhằm khắc phục khó khăn, lúng túng trong việc bố trí kinh phí triển khai hoạt động theo dõi thi hành pháp luật… Trong khi đó, đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận, Lâm Đồng đã phân tích và đưa ra những ý kiến cụ thể hoàn thiện các quy định về phương pháp đánh giá, chấm điểm, xếp loại công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, quy định về hoạt động theo dõi thi hành pháp luật và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật…
Một số đại biểu đại diện các Sở, ban, ngành của tỉnh Khánh Hòa cho rằng, cần quy định cụ thể những tiêu chí để đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong từng lĩnh vực; bổ sung quy định chi tiết về tiêu chuẩn, cơ chế cộng tác viên theo dõi tình hình THPL trong Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Hồ Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL nhấn mạnh, việc nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật có vai trò quan trọng trong giai đoạn hiện nay, góp phần phục vụ mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kết quả Tọa đàm là cơ sở thực tiễn để Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thiện các chính sách trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP (dự kiến trình Chính phủ xem xét trong tháng 12/2018), cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp được nêu tại Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn 2018 - 2022” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 26/2/2018./.
 
Cục QLXLVPHC&TDTHPL