Từ ngày 23/10/2018 đến ngày 26/10/2018, Đoàn công tác của Viện Khoa học pháp lý và Học viện Tư pháp do đồng chí Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý dẫn đầu đã có chuyến công tác tại Hàn Quốc nhằm học hỏi kinh nghiệm về xây dựng chính sách và pháp luật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Trong thời gian này, Đoàn đã đến thăm và làm việc với Ủy ban của Tổng thống Hàn Quốc về Cách mạng công nghiệp 4.0, Viện Nghiên cứu pháp luật Hàn Quốc (KLRI) và Tập đoàn Samsung tại Hàn Quốc.
Trong ngày làm việc đầu tiên, Đoàn công tác làm việc với Ủy ban của Tổng thống Hàn Quốc về cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là uỷ ban có vai trò tư vấn chính sách và chiến lược quốc gia cho Tổng thống Hàn Quốc về cách mạng công nghiệp 4.0. Ủy ban được thành lập theo sắc lệnh của Tổng thống, ban hành và có hiệu lực vào ngày 22/08/2017. Ủy ban có trách nhiệm thảo luận và điều phối những vấn đề chính sách lớn liên quan đến việc phát triển và ứng dụng những thành tựu công nghệ mới, phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ mới cần thiết để xã hội Hàn Quốc có thể thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Ủy ban có 25 thành viên, bao gồm lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế lớn, chuyên gia, nhà khoa học, cố vấn cho Tổng thống về khoa học và công nghệ và Bộ trưởng các Bộ Khoa học và Thông tin truyền thông, Bộ Công thương và Năng lượng, Bộ Việc làm và Lao động, Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp, Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông… Tại buổi làm việc, hai bên tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề chính sách, pháp luật liên quan đến Blockchain, tiền mã hóa, internet kết nối vạn vật, trí thông minh nhân tạo; các vấn đề về bảo vệ và khai thác dữ liệu cá nhân… Đặc biệt, Ủy ban cũng đã thông tin với Đoàn công tác về kế hoạch ứng phó với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lấy con người làm trung tâm, chia sẻ phương thức tiếp nhận và xử lý của Chính phủ Hàn Quốc đối với các phản ánh về bất cập chính sách nhằm ứng phó kịp thời với các vấn đề phát sinh từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như đảm bảo sự đồng thuận giữa các chủ thể liên quan.
Ngày 25/10/2018, Đoàn công tác làm việc với Viện Nghiên cứu pháp luật Hàn Quốc (KLRI). Với tư cách là cơ quan nghiên cứu nhằm hỗ trợ công tác xây dựng pháp luật của Hàn Quốc, Viện có vai trò quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0. Viện Nghiên cứu trực thuộc văn phòng Thủ tướng, có 140 nhân viên, trong đó có 60 nghiên cứu viên, là những người có trình độ tiến sĩ và có kinh nghiệm trong nghiên cứu pháp luật. Giúp việc cho nghiên cứu viên là các trợ lý nghiên cứu viên. Yêu cầu tối thiểu đối với trợ lý nghiên cứu viên là phải có bằng thạc sĩ. Mỗi năm Viện xuất bản khoảng 300- 400 báo cáo nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến xây dựng và sửa đổi pháp luật, bao gồm cả các vấn đề nghiên cứu do Viện đặt ra và các nghiên cứu theo đặt hàng của các Bộ. Liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, Viện đã triển khai 33 nghiên cứu chuyên sâu về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với hệ thống pháp luật Hàn Quốc. Các nghiên cứu này được thực hiện trong 2 năm, đề cập đến các nội dung về sự thay đổi của pháp luật trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ tài chính, thiết bị bay không người lái, ô-tô tự hành, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin truyền thông, công nghệ chuỗi khối và tiền thuật toán…
Tại buổi làm việc, đại diện Viện Nghiên cứu pháp luật Hàn Quốc (KLRI) cập nhật về những thay đổi trong pháp luật Hàn Quốc trong thời gian gần đây trước tác động của các công nghệ như Blockchain, AI, IoT, Big Data, các loại xe tự hành và việc triển khai xây dựng thành phố thông minh ở Hàn Quốc. Viện cũng cho biết Quốc hội Hàn Quốc đang thảo luận về 2 dự luật quan trọng là Luật khung về xã hội thông tin thông minh và Luật khung về robot (người máy). Các quy định liên quan đến xe tự hành, thiết bị bay không người lái, việc bảo vệ và chia sẻ dữ liệu cá nhân đang được cân nhắc nới lỏng nhằm hỗ trợ việc khai thác dữ liệu với tư cách là nguồn tài nguyên quan trọng của nền kinh tế số.
Trong ngày làm việc cuối cùng, Đoàn công tác tới thăm và làm việc với Tập đoàn Samsung tại trụ sở chính của Tập đoàn đặt tại Samsung Town, Seoul. Tập đoàn Samsung có tầm ảnh hưởng lớn trong phát triển kinh tế, chính trị, truyền thông, văn hóa ở Hàn Quốc, và là động lực thúc đẩy chính đằng sau "kỳ tích sông Hàn". Đây là nơi hội tụ những ý tưởng sáng tạo về khoa học công nghệ hàng đầu của Hàn Quốc. Tập đoàn Samsung cũng đang có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế và ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam với 8 nhà máy và 01 Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển. Trong đó, SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là hai nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu, SEHC (TP Hồ Chí Minh) là nhà máy điện tử gia dụng lớn nhất Đông Nam Á và SVMC là trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất của tập đoàn tại Đông Nam Á. Tại buổi làm việc, nhóm phụ trách pháp chế toàn cầu của Tập đoàn Samsung đã trao đổi với Đoàn công tác về những vướng mắc pháp lý khi Tập đoàn triển khai những ứng dụng công nghệ mới như: việc thử nghiệm thiết bị bay không người lái bị hạn chế độ cao bởi Luật hàng không của Hàn Quốc, triển khai dịch vụ thanh toán điện tử (Samsung Pay) chưa có luật điều chỉnh, vấn đề bảo mật đối với các bí mật khoa học công nghệ và sở hữu bản quyền. Đại diện pháp chế toàn cầu của Tập đoàn cũng đã chia sẻ với Đoàn công tác những hỗ trợ từ phía nhà nước nhằm xử lý những vướng mắc này…
Trong tất cả các buổi làm việc, Đoàn công tác và các đối tác Hàn Quốc cũng trao đổi thông tin về các cơ hội hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong thời gian tới liên quan tới các vấn đề pháp lý của cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới sự phát triển chung của các quốc gia cũng như thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển chung.
Trong thời gian công tác, Đoàn công tác cũng đã có buổi chào xã giao và báo cáo kết quả các ngày làm việc của Đoàn với Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc. Đại sứ đã chia sẻ các thông tin về đất nước Hàn Quốc với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và cung cấp nhiều thông tin quý báu góp phần vào kết quả làm việc của Đoàn.
Quang Hồng - Thuý Hằng